Tam Đảo những điều chưa biết
Nói đến du lịch Tam Đảo thực chất là nói đến tài nguyên du lịch gắn với dãy Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Nếu có thời gian khám phá, du khách sẽ thấy toàn bộ huyện Tam Đảo, kéo dài tới xã Trung Mỹ của huyện Bình Xuyên và xã Ngọc Thanh của thành phố Phúc Yên là một quần thể danh lam thắng cảnh. Đâu đâu cũng non xanh nước biếc, hồ tiếp hồ, núi tiếp núi, cảnh quan, khí hậu thay đổi trong ngày, khiến du khách không khỏi bất ngờ.
Ngày càng nhiều khách sạn sang trọng xuất hiện tại thị trấn Tam Đảo.
Rất nhiều địa điểm của Vườn quốc gia Tam Đảo vẫn là bí ẩn đối với du khách. Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Nguyễn Đức Toàn cho biết, khu vực núi cao địa hình hiểm trở, còn những nơi chưa có dấu chân người. Thỉnh thoảng cán bộ kiểm lâm vẫn bắt gặp những loài thú quý hiếm như vượn đen, voọc má trắng, báo hoa mai, cá cóc. Trên rừng còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên mang vẻ đẹp lạ kỳ như đỉnh Rùng Rình, rừng Ma, ao Dứa, suối Giải Oan...
Lâu đài Tam Đảo trị giá 400 tỷ đồng đang được hoàn thiện.
Ít người biết dưới chân núi Tam Đảo có hơn 30 hồ nước lớn nhỏ. Nhiều hồ mang vẻ đẹp vĩnh cửu của tự nhiên, xanh và sâu thăm thẳm, bao quanh là rừng rậm bạt ngàn, như hồ Làng Hà, hồ Bản Long, hồ Xạ Hương… Cảnh quan ven hồ xứng đáng là những điểm du lịch ngắm cảnh tuyệt đẹp. Riêng huyện Tam Đảo đã có 103 di tích văn hóa, lịch sử, 44 lễ hội truyền thống của người bản địa. Tuy nhiên chỉ 20% trong số đó được du khách biết đến. Còn nhiều di tích đáng để khám phá như hệ thống hầm của Bộ Chính trị tại thị trấn Tam Đảo; Khu di tích lưu niệm Hồ Chí Minh và nhiều di tích đền, chùa cổ trên núi. Sự thân thiện, mến khách của người dân Tam Đảo cũng là nét văn hóa thú vị, nhất là với du khách muốn trải nghiệm thực tế.
Theo số liệu năm 2019 (khi chưa có dịch bệnh Covid-19), có 1.797.000 du khách đến Tam Đảo, doanh thu đạt 404,3 tỷ đồng. Mức chi tiêu trung bình rất thấp, chỉ 225 nghìn đồng/người/ngày. Thời gian lưu trú bình quân là 1,5 ngày; khách nước ngoài chỉ chiếm 0,2%. Hạ tầng du lịch chưa tốt, môi trường chưa sạch, phục vụ thiếu chuyên nghiệp, ít điểm vui chơi, thiếu trải nghiệm độc đáo là những vấn đề khiến Tam Đảo đang hụt hơi trong cuộc đua thu hút khách du lịch.
Quan điểm của nhà quản lý
Cáp treo tại khu du lịch Tây Thiên thu hút nhiều du khách.
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc liên tục mở rộng không gian phát triển du lịch. Khu vực ven chân núi nhộn nhịp hẳn lên với hàng loạt dự án sân golf, biệt thự, resort. Thị trường bất động sản khu vực này rất sôi động, giá đất tăng cao, nhất là tại 3 thị trấn Hợp Châu, Tam Đảo, Đại Đình của huyện Tam Đảo và xã Ngọc Thanh của thành phố Phúc Yên. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nguồn thu từ du lịch còn xa mới như kỳ vọng.
Ông Đinh Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo và nhiều nhà quản lý rất trăn trở về hướng phát triển du lịch của địa phương. Vườn quốc gia Tam Đảo có hơn 12.422 ha đất lâm nghiệp, chiếm tới 63,44% diện tích của huyện Tam Đảo, mà chưa được khai thác phù hợp để phát triển du lịch. Tháng 6/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt “Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tổng hợp, đánh giá tổng thể tài nguyên du lịch, nguồn lực, công tác quản lý, đề ra nhiều giải pháp, dự án phát triển du lịch.
Mục tiêu của Vĩnh Phúc đến năm 2030, xây dựng Tam Đảo thành thị xã đặc sắc về du lịch thông qua đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng số lượng cơ sở lưu trú, hoàn thiện hạ tầng giao thông, viễn thông, đào tạo nhân lực du lịch. Huyện sẽ có thêm nhiều khu du lịch mới như Bến Tắm, suối Đồng Bùa, hồ Làng Hà, hồ Xạ Hương, hồ Vĩnh Thành, hồ Bản Long, đỉnh Mỏ Quạ… Các loại hình dân ca, các sản phẩm nông nghiệp, di tích lịch sử, bản sắc văn hóa địa phương cũng được khai thác phục vụ du lịch.
Bên cạnh 2 trung tâm du lịch là Khu danh thắng Tây Thiên và Khu du lịch Tam Đảo 1, các xã, thị trấn sẽ trở thành vùng du lịch bổ trợ. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ dành 372,7 ha đất cho phát triển du lịch, dịch vụ; đến năm 2030 con số này là 675,8 ha. Giai đoạn 5 năm tới sẽ tiếp tục triển khai Dự án Khu du lịch Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 cùng hệ thống cáp treo. Giai đoạn 2026-2030 sẽ xây dựng sân golf Bản Long và sân golf Tam Quan. Như vậy, huyện Tam Đảo sẽ được lấp đầy bởi các khu du lịch, 4 sân golf và nhiều điểm du lịch mới. Nếu tính cả sân golf Thanh Lanh (Bình Xuyên) và sân golf Đại Lải (Phúc Yên) thì khu vực Tam Đảo sẽ có 6 sân golf. Một tuyến đường ven chân núi sẽ được đầu tư xây dựng để kết nối các điểm đến này.
Đâu là giải pháp đột phá?
Cảnh quan bên hồ Làng Hà (thị trấn Hợp Châu, Tam Đảo).
Đề án phát triển du lịch Tam Đảo của tỉnh đồng bộ, bài bản, song còn thiếu ý tưởng đột phá. Với du lịch, chỉ cần một điểm nhấn như Bà Nà (Đà Nẵng) hay Vinpearl Land (Khánh Hòa) có thể thay đổi cục diện. Cái mà du lịch Tam Đảo cần nhất hiện nay là một dự án vui chơi giải trí tầm cỡ, các trung tâm thương mại lớn, những khách sạn 4 sao và 5 sao để du khách thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí và mua sắm.
Để nâng cao mức chi tiêu của du khách, thiết nghĩ, Tam Đảo cần phát triển mạnh du lịch xa xỉ, nhắm tới phân khúc khách hạng sang. Dịch vụ du lịch phải thỏa mãn được những khách hàng khó tính, như không gian riêng tư, sang trọng, tiện nghi xa hoa, cảnh quan hùng vĩ, ẩm thực khác lạ, cách phục vụ độc đáo và chuyên nghiệp. Không nhất thiết phủ kín Tam Đảo bằng nhiều khu du lịch, mà chỉ cần những điểm nhấn có bản sắc, có sức hấp dẫn lớn.
Hiện nay, nhà đầu tư số một về du lịch tại Vĩnh Phúc là Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng với các dự án cáp treo Tây Thiên, khách sạn Venus Tam Đảo, sân golf Thanh Lanh và gần đây là Lâu đài trên núi, dấu ấn kiến trúc đặc sắc của thị trấn du lịch Tam Đảo. Bà Đặng Thị Như Quỳnh, Giám đốc chi nhánh Vĩnh Phúc của Công ty cho rằng: Để nâng cao chất lượng du lịch, tỉnh cần đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Cần nâng cấp độ quản lý du lịch cho tương xứng với quy mô của khu vực trọng điểm du lịch quốc gia, đồng thời có cơ chế quản lý trật tự, vệ sinh, môi trường, hàng quán vỉa hè. Công việc này có thể giao cho cơ quan Nhà nước hoặc tư nhân, miễn là làm tốt.
Ở tầm quốc gia, cần sự quản lý thống nhất về phát triển du lịch đối với khu vực dãy núi Tam Đảo thuộc địa phận 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Những mảnh đất “vàng”, các dự án lớn về giải trí, nghỉ dưỡng, thương mại phải được giao cho nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, chuyên sâu lĩnh vực du lịch. Hạn chế xu hướng thôn tính đất đai, xin giao đất để làm việc khác chứ không thực lòng đầu tư cho du lịch. Muốn có những kỳ quan du lịch thì chính quyền phải tin tưởng nhà đầu tư, tăng cường tham vấn doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách. Việc thu hút các “đại bàng” trong lĩnh vực du lịch-giải trí-nghỉ dưỡng cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Vĩnh Phúc trong những năm tới.
Có lẽ chưa bao giờ Tam Đảo đứng trước nhiều lựa chọn như hiện nay: Vì mục tiêu kinh tế trước mắt hay lâu dài? Nghĩ lớn, chơi lớn hay “bóc ngắn cắn dài”? Bê-tông hóa du lịch hay xanh hóa du lịch?
Sự lựa chọn đúng đắn nhất sẽ vì tương lai của Tam Đảo xanh và sang.