Nghị lực của người phụ nữ khuyết tật

06/12/2018 - 06:54

 - Căn bệnh lúc nhỏ đã khiến chân trái của chị Lê Thị Thu Mai (40 tuổi, ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn) bị teo cơ, không đi lại được. Cuộc sống nghèo khó, chị Mai không được cấp sách đến trường như bao người. Tưởng rằng tương lai đã khép lại nhưng chính nghị lực và tình yêu của gia đình đã giúp người phụ nữ ấy vươn lên mạnh mẽ.

Chị Mai thành thục bó từng cây chổi

Đến thăm nhà chị Mai giữa cái nắng gay gắt buổi ban trưa. Thấy người lạ, chị có phần ngần ngại. Câu chuyện bắt đầu cởi mở hơn khi chúng tôi đề cập đến công việc mà chị đang làm - nghề bó chổi cọng dừa. Dẫu khó khăn trong di chuyển hay tìm một tư thế ngồi nhưng đôi tay chị Mai vẫn rất thành thục trong từng chuyển động của việc bó chổi.

“Khi biết mình không thể đi đứng như người bình thường, tôi buồn và tuyệt vọng. Được ba, mẹ chăm lo, động viên, tôi dần lấy lại tinh thần. Năm 14 tuổi, sau những lần ngồi nép sau lưng mẹ xem bó chổi, tôi bắt đầu “học lỏm” và tự mày mò thêm. Chưa đầy 2 tháng, tôi đã biết rành từng công đoạn làm chổi. Từ đó, tôi gắn bó với nghề bó chổi cọng dừa”- chị Mai chia sẻ.

Ở xóm mà chị Mai sinh sống, bà con gắn bó và mưu sinh bằng nghề bó chổi cọng dừa, vì đó là nghề truyền thống của địa phương. Không giàu có nhưng nghề này giúp cho các gia đình lo được cái ăn, cái mặc và chuyện học hành của con cái. Từ đầu xóm đến cuối xóm, cả đàn ông và phụ nữ ai cũng tất bật, miệt mài với công việc của mình.

Còn chị Mai, để tăng số lượng chổi giao hàng ngày, chị và gia đình phải bắt đầu công việc từ 2 giờ sáng, mãi đến chiều tối mới nghỉ ngơi để lấy lại sức cho buổi tiếp theo.

Theo chị Mai, mỗi ngày chị bó được khoảng 10 cây chổi. Vào thời điểm cận Tết, chổi rất hút hàng nên số lượng chổi có thể tăng gấp đôi. Với số tiền kiếm được từ vài chục ngàn đến 100.000 đồng/ngày, chị Mai rất vui vì mình không phải là gánh nặng cho gia đình.

Thương cho số phận và khâm phục nghị lực vươn lên của người phụ nữ kém may mắn, anh Phạm Văn Dũng (43 tuổi, ngụ xã Định Thành, Thoại Sơn) quyết định gắn bó cùng chị Mai. Hai người gặp nhau qua sự mai mối, nhưng ánh nhìn đầu tiên đã để lại trong anh nhiều ấn tượng về người vợ tương lai.

“Lần đầu gặp nhau, tôi thương và quý cô ấy ở đức tính hiền lành và tinh thần lạc quan, yêu đời. Dẫu trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy được nghị lực của cô ấy. Đó là động lực thôi thúc tôi tiến đến hôn nhân để bảo vệ, chăm sóc cô ấy mãi mãi”- anh Dũng bày tỏ. Theo nghề bó chổi của gia đình vợ, anh Dũng được gia đình chị Mai quý trọng bởi sự thật thà.

“Thương con mình bao nhiêu, tôi lại thương con rể bấy nhiêu. Bởi nó là người dìu dắt, nâng đỡ con gái tôi trong suốt quãng đời còn lại. Biết rằng cuộc sống vợ, chồng sẽ có lúc “Cơm không lành, canh không ngọt” nhưng không vì thế mà nó chê bai hay ruồng bỏ vợ bao giờ”- chú Lê Thành Nghị (sinh năm 1958, ba chị Thu Mai) bộc bạch.

Chúng tôi tin điều ấy khi nhìn thấy niềm hạnh phúc qua đôi mắt chị Mai khi nhắc về chồng mình. Theo chị, anh Dũng rất hiền lành lại chăm chỉ làm ăn. Cuộc sống vợ, chồng tuy có lúc túng thiếu nhưng chưa bao giờ vơi đi tình thương. “Ngày anh ấy ngỏ lời cưới, tôi vui mừng, bất ngờ nhưng cũng lo lắng lắm vì ngỡ chỉ là sự đùa cợt. Nhưng sau thời gian tìm hiểu, tôi biết được tình cảm chân thật của anh và đã đồng ý. Từ đó đến nay, tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định đó”- chị Mai tâm sự.

Trong căn nhà còn ngổn ngang những cây chổi chưa thành hình, chị Mai thoăn thoắt, nghiêng bên này, xoay bên kia, thoáng chốc mọi thứ đâu vào đấy, ngăn nắp và ngay ngắn. Chính tình yêu của gia đình đã tiếp thêm nghị lực để chị phấn đấu như hôm nay.

“Chị Mai là phụ nữ hiền lành, chịu khó và phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Để chị Mai có điều kiện sống với nghề, chúng tôi đã hỗ trợ chị vay vốn 2 triệu đồng (xoay vòng mỗi năm) để mua nguyên vật liệu làm chổi cọng dừa. Nghị lực vươn lên của chị Mai là tấm gương để nhiều chị, em phụ nữ noi theo”- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Chánh Nguyễn Thị Ngọc Phước cho hay.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN