“Có một công việc ổn định để làm, tâm trạng cân bằng, gia đình bình yên và các con khỏe mạnh, ấy là quá hạnh phúc rồi”, chị đã nói như vậy khi tôi hỏi chị thế nào là hạnh phúc và chị có hạnh phúc không? Anh rể không phải là một người đàn ông hoàn hảo nên tôi biết chị mình đã trải qua những năm tháng hôn nhân thanh xuân như thế nào. Nhưng sau cuộc “đại phẫu” quan trọng của cuộc đời, tôi tin những điều chị nói là cảm nhận và cũng là điều chị tha thiết mong nguyện lúc này.
AA
Trước đây, có thời gian kéo dài hàng năm trời, chị là nô lệ của thói quen xem lén điện thoại của chồng, bắt đầu từ khi chị bắt gặp anh nhắn tin thân mật với một nữ đồng nghiệp. Tình trạng tâm lý của chị bất ổn đến độ, chị không chỉ thường xuyên coi anh như một tên tội phạm cần theo dõi, tra hỏi và kiểm soát mà còn “xù lông” với bất cứ người phụ nữ nào không có quan hệ họ hàng với anh mà gần anh, hay đứng chung với anh trong bất cứ khuôn hình nào đó. Để rồi, từ một người phụ nữ hiền hậu, hay cười, chị trở nên dễ cáu bẳn và mất hẳn vẻ tự tin, kiêu hãnh của người phụ nữ trong mắt chồng mình.
Nhưng rồi, đứa con gái vào tuổi dở dở ương ương của chị đã khiến chị thức tỉnh. Con bé nhận ra vấn đề của ba mẹ trong gia đình và bắt đầu nổi loạn theo cách riêng của nó. Từ một cán bộ lớp ở trường chuyên lớp chọn, nó lặng lẽ bỏ học nhiều buổi và bỏ thi kết thúc năm học liền 3 môn nó chọn để vào đại học. Vì tin tưởng con nên chị chỉ biết mọi việc khi nó gọi điện báo cho mẹ biết nó có nguy cơ nhận điểm 0 trong bài thi cuối năm ở những môn bỏ thi. Khoảnh khắc ấy, chị nhận ra, bất hạnh của mình chẳng là gì cả. Chồng không yêu thương, chị vẫn ổn, nhưng nếu con gái gặp khó khăn và thất bại thì đó mới thực sự là nỗi bất hạnh của người làm mẹ như chị. Và trong những ngày tất tả ngược xuôi giúp con gái khắc phục sai lầm và lấy lại tinh thần, chị nhận ra chính bản thân đang khiến cuộc sống của mình bị tổn thương bởi những suy nghĩ tự kỷ ám thị. Để chữa lành những tổn thương đó nhanh nhất có thể, không có cách nào khác hơn là chị phải tự từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực của bản thân và tự cân bằng cảm xúc của chính mình.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau thì sẽ có một suy nghĩ riêng về hạnh phúc. Người quanh năm khó khăn, túng quẫn thì nghĩ mọi vấn đề sẽ dễ giải quyết khi có tiền, khi đó là hạnh phúc. Người tiền bạc phủ phê, nhưng gia nương bất ổn, các giá trị đạo đức bị đảo lộn, thấy gia cảnh người ta nghèo mà vợ - chồng – con cái – anh chị em yêu thương, đùm bọc nhau thì lại thấy mình bất hạnh vô cùng. Hay, trong khi có những ông bố bà mẹ vì quá kỳ vọng vào con mà tạo áp lực không ngừng, khiến con bức bối đến nổi loạn thì lại có những ba mẹ mỗi ngày chỉ có một cầu nguyện duy nhất là con đủ sức khỏe mỗi ngày…
Nghĩ về hạnh phúc trong tháng của Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), không gì hơn là chỉ muốn thêm một lần được lan tỏa tinh thần tạo nên giá trị của hạnh phúc như Vương quốc Bhutan từng đề xuất. Dữ liệu truyền thông cũng cho thấy, Liên hiệp quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau – biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Bởi vậy, Ngày Quốc tế Hạnh phúc có thông điệp: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Cân bằng cuộc sống không chỉ quan trọng để cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh mà còn là động lực để thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt tinh thần. Tùy vào hoàn cảnh của bản thân mà mỗi người có những bí quyết riêng để giữ mình thăng bằng giữa cuộc sống hối hả mỗi ngày. Tuy nhiên, cách được chia sẻ nhiều nhất là không khiến mình trở thành nô lệ cho các thiết bị điện tử, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người tiêu cực, cắt giảm những điều không cần thiết và hài hước. “Dễ dàng mỉm cười và đùa giỡn với ai đó là cách rất dễ để thức dậy phiên bản hài hước trong mỗi chúng ta. Không có điều gì khiến cảm xúc của bạn tốt lên nhanh chóng bằng những tiếng cười giòn giã…”. Tôi đã cảm nhận được điều đó và mong rằng, mỗi chúng ta cũng đều cảm nhận được điều đó để mỗi ngày đều nhẹ nhàng, đáng nhớ.
Theo Báo Thừa Thiên Huế
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: