Những bước đi đầu tiên
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020. Phong trào lan rộng khắp nơi, ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương. Riêng trong quân đội, phong trào được mang tên “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Khi phong trào được triển khai tại An Giang, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh An Giang tập trung lãnh, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền; quán triệt quyết định, kế hoạch các cấp; cụ thể hóa thành từng mục tiêu, chỉ tiêu thi đua. Đồng thời, phải tạo được sự đồng thuận từ nhận thức và hành động trong cán bộ, chiến sĩ, cùng tham gia thực hiện phong trào, giúp đồng bào lao động, sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, con giống, tặng phương tiện sản xuất, giới thiệu vay vốn để phát triển kinh tế...
Để tập trung nguồn lực thực hiện, Bộ CHQS tỉnh An Giang quyết định chọn vùng đất Tri Tôn “đất rộng, người thưa” là địa phương đầu tiên để ký kết thực hiện phong trào. Tri Tôn là huyện miền núi, biên giới, dân tộc, cũng là vùng căn cứ địa cách mạng. Huyện có tổng cộng 13 xã, 2 thị trấn, với 79 khóm, ấp, dân số 117.345 người, 33.441 hộ. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có 11.134 hộ, chiếm 33,3% dân số, tập trung ở 10 xã, thị trấn. Đến cuối năm 2016, khi điều tra hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 6.323 hộ chiếm 18,8%, trong đó hộ dân tộc thiểu số nghèo là 3.421.
Thời điểm ấy, Lương Phi là một trong những xã thuần nông, có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn; đang được tỉnh An Giang và huyện Tri Tôn tập trung mọi nguồn lực để trở thành xã nông thôn mới. 30% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 chỉ đạt 30,5 triệu đồng. Để thúc đẩy địa phương phát triển, trong đợt “thí điểm” này, các đơn vị phối hợp triển khai những việc làm thiết thực, như: Thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ gia đình chính sách, người nghèo…
Trao nhà cho ông Trần Văn Thành xã Lương Phi). Ảnh: HỮU ĐẶNG
Kết quả, sau 1 năm, LLVT tỉnh An Giang vận động gần 1.000 phần quà tặng hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán, tổng số tiền 244 triệu đồng; vận động nhiều nguồn hỗ trợ cất mới 76 căn nhà, tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng; vận động thành lập 3 tổ hợp may công nghiệp, bón phân, phun xịt, với 36 thành viên, đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả; mở 3 lớp dạy nghề, may công nghiệp cho 90 học viên.
Đến năm 2019, Lương Phi chính thức được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tại thời điểm được công nhận, thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình trong xã đạt 47,1 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn 2,4%, 99,6% hộ sử dụng điện, 3/4 trường học đạt chuẩn quốc gia, 1.963/2.674 căn nhà kiên cố đạt chuẩn, 7.003/7.275 lao động có việc làm thường xuyên…
Nhà Tình đồng đội đến với quân nhân xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: VĂN TRANH
Trao giống lúa cho người dân huyện Tri Tôn
Từ kết quả phấn khởi có được trong đợt đầu tiên thực hiện phong trào, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh An Giang chọn 2 xã Lương An Trà và Tân Tuyến để tiếp tục thực hiện công trình, phần việc trong kế hoạch đã xác định tại huyện Tri Tôn giai đoạn 2018-2020. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang chia sẻ: “Sau 3 năm, LLVT tỉnh An Giang hỗ trợ UBND các xã hoàn thành những tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với phần việc không cần huy động vốn.
Qua đó, gần 26km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, phát quang, vệ sinh môi trường; trồng 5.000 cây xanh; lắp đặt 280 đèn chiếu sáng; xây dựng 5 cầu nông thôn; gia cố 1.240m đê bao. Ngoài ra, các đơn vị còn tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, như: Tham gia chữa cháy 1,5ha rừng; giúp nhân dân sửa chữa, cất mới 35 căn nhà sau hỏa hoạn, lốc xoáy. Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đã giúp đỡ địa phương chúng tôi một cách nhiệt tình, hiệu quả nhất”.
Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Tân Tuyến. Ảnh: VĂN TRANH – NGỌC HUỲNH
Trao tặng bò cho hộ gia đình dân tộc thiểu số Khmer nghèo.
Cũng trong 3 năm ấy, phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Bộ CHQS tỉnh An Giang thực hiện, đã giúp hơn 350 học sinh huyện Tri Tôn trở lại lớp; hàng trăm triệu đồng chi phí tập, viết, học bổng cho học sinh nghèo học giỏi; gần 6.000 lượt gia đình chính sách, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc được khám, cấp thuốc, tặng quà…, có tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. UBND các xã được hỗ trợ về công tác quân sự, quốc phòng địa phương cơ sở.
Thanh niên dân tộc Khmer tích cực bảo vệ bình yên phum sóc. Ảnh: VĂN TRANH
Từ đó, hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ quân sự trọng tâm hàng năm; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt yêu cầu: Lương Phi 1,53%; Lương An Trà 1,16%; Tân Tuyến 1,12% so với dân số, xây dựng lực lượng dự bị động viên đạt 100% chỉ tiêu; huy động lực lượng dự bị động viên thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện đạt trên 85%. Công tác tuyển quân chặt chẽ, đúng quy trình, giao quân quân đạt 100% chỉ tiêu trên giao.
Huy động lực lượng nâng cấp đường giao thông. Ảnh: ĐĂNG HẢI
Điều đọng lại rõ nét nhất sau ngần ấy thời gian là chỉ huy cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, lao động giúp dân, xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết quân - dân, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ” trong lòng nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc nói riêng.
Sơ kết 3 năm phối hợp phong trào tại huyện Tri Tôn. Ảnh: HỮU ĐẶNG
Hình ảnh đẹp về “Bộ đội Cụ Hồ” khắc sâu trong lòng nhân dân.
LLVT tỉnh An Giang cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể tuyên truyền, vận động đồng bào hưởng ứng chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, kịp thời hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh…
Trăn trở nâng chất
Giai đoạn 2021-2025, Bộ CHQS tỉnh An Giang chọn huyện đầu nguồn An Phú - nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, đời sống còn nhiều vất vả - để ký kết thực hiện phong trào. Nội dung chính vẫn là phối hợp tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; hướng dẫn, hỗ trợ triển khai công tác quốc phòng, quân sự cơ sở và giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức lực lượng tham gia giúp địa phương, nhân dân xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, ứng cứu, khắc phục thiên tai, lụt bão, sự cố môi trường; tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách…
Trao quà cho học sinh nghèo xã Vĩnh Hậu. Ảnh: HỮU ĐẶNG
Các địa phương lần lượt được chọn thực hiện phong trào từng năm, gồm các xã: Phú Hữu, Vĩnh Hậu, Phú Hội, Vĩnh Trường, Nhơn Hội. “Huyện An Phú xác định giảm nghèo là nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài, là một trong những tiêu chí, thước đo quan trọng để đánh giá việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Mong rằng, kế hoạch phối hợp giữa Bộ CHQS tỉnh An Giang và huyện An Phú sẽ tiếp tục được lan tỏa, đón nhận nhiều tấm lòng vàng của cộng đồng. Từ đó, giúp tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện giảm theo chỉ tiêu đề ra” - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Thanh Sơn kỳ vọng.
Hội nghị triển khai chương trình ký kết năm 2022 tại huyện An Phú. Ảnh: GIA KHÁNH
Năm 2021, các cơ quan thuộc Bộ CHQS tỉnh An Giang tích cực đóng góp, xây tặng 2 căn nhà Tình nghĩa, mỗi căn 80 triệu đồng; tặng 3.000 quyển tập cho học sinh tiểu học nghèo; tặng 300 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 cho xã Phú Hữu. Từ tháng 4/2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Vì thế, một số nội dung, phần việc trong chương trình ký kết bị gián đoạn, không triển khai thực hiện được.
Sau 3 năm thực hiện phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” ở huyện Tri Tôn, và 1 năm tại huyện An Phú, tuy có những tín hiệu đáng mừng, song còn đó nhiều băn khoăn, trăn trở. “Cuộc sống nhân dân nông thôn tuy được cải thiện, nhưng vẫn rất khó khăn. Trong khi đó, quá trình hỗ trợ và kêu gọi hỗ trợ để thực hiện phong trào còn hạn chế, chưa thật sự trở thành cuộc vận động chính trị ở địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2020 - 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ CHQS tỉnh An Giang và các cơ quan, đơn vị phân tán nguồn lực, ưu tiên tập trung chống dịch, hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, việc thực hiện phong trào ở một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng kỳ vọng như mục tiêu ban đầu đề ra” – đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh An Giang, bày tỏ.
Khi dịch bệnh tạm lắng, các hoạt động trong phong trào tiếp tục được “xốc” lại. Từng phòng, ban trong Bộ CHQS tỉnh An Giang được phân công trách nhiệm cụ thể, gắn với từng nội dung ký kết. Trong đó, Phòng Chính trị là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phong trào, có trách nhiệm chủ động phối hợp với các đơn vị thành viên tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện nội dung ký kết; theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao. Phòng Tham mưu chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ CHQS tỉnh tổ chức, sử dụng lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 5 xã. Phòng Hậu cần đảm nhiệm tham mưu, giúp Bộ CHQS tỉnh vận động nguồn kinh phí khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, người nghèo; đảm bảo phương tiện cho đoàn công tác, lực lượng của Bộ CHQS tỉnh đến tham gia ở địa phương. Trung đoàn Bộ binh 892 và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức lực lượng tham gia thực hiện công trình, phần việc trên địa bàn 5 xã theo chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh An Giang.
Trung đoàn Bộ binh 892 tổ chức lực lượng tham gia các phần việc. Ảnh: GIA KHÁNH
“Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước, quân đội về “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, LLVT tỉnh An Giang chủ động nghiên cứu, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình ký kết triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện khả năng của mình, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và các phong trào, cuộc vận động của địa phương. Thường xuyên kết hợp chặt chẽ 2 phong trào trên với thực hiện phong trào thi đua quyết thắng, “dân vận khéo”, xây dựng đơn vị “dân vận tốt” trong LLVT tỉnh An Giang. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo; kịp thời sơ kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào hàng năm” – thượng tá Nguyễn Văn Thúc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào cho biết.
Chung sức, chung lòng
Từ khi triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” tại 65 xã, 11 huyện, thị xã, thành phố (riêng Bộ CHQS tỉnh An Giang ký kết thực hiện phong trào với 5 xã thuộc 2 huyện biên giới) trên địa bàn tỉnh, đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT tỉnh vận động hỗ trợ sức người, sức của. LLVT tỉnh An Giang đã cùng với các địa phương sửa chữa và xây tặng trên 300 căn nhà, số tiền trên 6 tỷ đồng; huy động hàng ngàn ngày công lao động, hỗ trợ cho các gia đình khó khăn về nhà ở được an cư lạc nghiệp. Đây cũng là mô hình trọng tâm, thiết thực, hiệu quả cao, được LLVT tỉnh An Giang áp dụng, thực hiện nghiêm túc và ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi.
Phát quang đường nông thôn. Ảnh: CTV
Thời gian này, Ban CHQS 11 huyện, thị xã, thành phố còn tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ưu tiên chọn những xã có điều kiện kinh tế khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để mang Tết quân - dân đến với họ. Kinh phí thực hiện công trình, phần việc đều từ nguồn vận động, kêu gọi nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ, đóng góp, bình quân từ 6-8 tỷ đồng/năm. Nhiều gia đình sau khi được hỗ trợ của Bộ CHQS tỉnh An Giang đã "An cư lạc nghiệp", yên tâm lao động sản xuất, từng bước giảm nghèo, đời sống nhân dân và bộ mặt nông thôn tại các xã thực hiện phong trào được cải thiện, đi vào nền nếp.
Nhiều phần quà thắm tình nghĩa quân – dân.
Để có được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận đó, không chỉ là công sức riêng của LLVT tỉnh An Giang. Cùng đồng hành trong những năm qua với LLVT tỉnh là rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhiệt tình với công tác thiện nguyện, như: Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang; Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang; Xí nghiệp Khai thác và Chế biến đá Cô Tô - Công ty TNHH MTV 622; Ngân hàng TMCP Quân đội; Viettel An Giang… Cùng với đó, là sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân địa phương.
Nhiều lực lượng cùng chung tay hỗ trợ địa phương nghèo
Năm 2022, LLVT tỉnh An Giang tập trung nguồn lực về xã Vĩnh Hậu. Địa phương này “cách trở đò ngang”, có hơn 750 hộ nghèo, cận nghèo; gần 300 hộ gia đình chính sách. Điều kiện hạ tầng nông thôn chưa hoàn thiện, đường sá nhiều nơi chưa được bê-tông hóa, vẫn giữ nguyên hiện trạng đường đất, nắng bụi mưa bùn; lại còn thường xuyên gặp thiên tai… Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu Lê Thị Dức chia sẻ: “Trên địa bàn xã còn nhiều đoạn đường khó đi, cần tiếp tục vận động xã hội hóa, chung tay góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân. Được sự hỗ trợ của Bộ CHQS tỉnh An Giang, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn”.
Hỗ trợ người dân thu hoạch lúa chạy lũ
Một trong những “nỗi day dứt” hiện tại của địa phương là đoạn đường tổ 20, ấp Vĩnh Bảo. Chưa đầy 500m, nhưng đây là đường đất, mỗi lần người dân qua lại đều vất vả đủ bề. Ai nấy đều mong muốn nâng cấp đoạn đường, nhưng “lực bất tòng tâm”, bởi cuộc sống ngày thường còn lắm nỗi lo toan, lấy đâu kinh phí sửa chữa. Khi Bộ CHQS tỉnh An Giang đem phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đến xã Vĩnh Hậu, đơn vị đã kết nối để nâng cấp đoạn đường.
Có mặt tại sự kiện, mới cảm nhận rõ thế nào là “chung sức, chung lòng”. Thời tiết thất thường, lúc nắng dữ dội, lúc mưa như trút nước. Nhưng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 511, Trung đoàn Bộ binh 892 và nhân dân địa phương vẫn nhiệt tình hoàn thành công trình. “Chiều dài đoạn đường 400m; chiều ngang 2,2m; đổ bê-tông dày 10cm, tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng, toàn bộ từ xã hội hóa. Tổ từ thiện của chúng tôi đứng ra thi công. Làm xong đường, ai cũng mừng lắm. Muốn thoát nghèo, phải làm kinh tế. Muốn làm kinh tế tốt, thì phải thông thương đường sá. Đường sá thông thương rồi, thì bộ mặt nông thôn phát triển, đời sống người dân cũng phát triển theo. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm tham gia cùng địa phương xây dựng nông thôn mới” - ông Nguyễn Thanh Hùng, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Hậu chia sẻ.
Nhân dân và chiến sĩ chung sức làm đường tại ấp Vĩnh Bảo. Ảnh: GIA KHÁNH
Sau 5 năm LLVT tỉnh An Giang thực hiện phong trào “Cả nước vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, bài học ý nghĩa nhất được rút ra là phải thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hiểu rõ mục đích, ý nghĩa để cùng đồng hành với phong trào. Muốn thành công, chương trình ký kết thực hiện phong trào “Chung tay vì người nghèo” phải gắn chặt với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào, hoạt động xã hội từ thiện trên địa bàn xã.
Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Rồi đây, sẽ có thêm nhiều con đường mới được kiên cố hóa, nhiều căn nhà khang trang được xây dựng, nhiều trẻ em được tiếp bước đến trường…, từ tấm lòng thơm thảo của từng “Bộ đội cụ Hồ” và các tổ chức, cá nhân. “Những nỗ lực vì người nghèo, xây dựng nông thôn mới của LLVT tỉnh An Giang dù chỉ ở mức độ nhất định, nhưng góp phần quan trọng vào hoạt động chung, là sự chia sẻ thắm tình quân dân, làm dày thêm lòng tin của người dân đối với LLVT địa phương. Chúng tôi luôn mong muốn vận động mọi nguồn lực, hỗ trợ càng nhiều càng tốt cho địa phương. Qua đó, giảm bớt khó khăn trước mắt, làm cho đời sống bà con phát triển, tương ứng với việc địa phương phát triển theo” – đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh An Giang, khẳng định.
Tất cả hoạt động đều vì nhân dân.
Đã có những kinh nghiệm, cách làm hay, lẫn trăn trở không nhỏ suốt hành trình này. Nhưng tựu chung lại, tất cả vì một mục đích duy nhất, đó là vì nhân dân. Khi nhìn lại những việc làm đã qua, LLVT tỉnh An Giang có thể tự hào: “Chung tay vì người nghèo” không phải là lời hô hào suông. Ngược lại, đó là sự đồng cảm, là tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi người lính!
GIA KHÁNH – HỮU ĐẶNG