Nghĩa tình với người có công

22/07/2025 - 07:10

 - Xã Ô Lâm có hơn 65% đồng bào Khmer sinh sống. Quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều thế hệ đồng bào Khmer nơi đây anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Để tri ân các anh hùng liệt sĩ, tỉnh An Giang và xã Ô Lâm luôn quan tâm, huy động nguồn lực xã hội thực hiện hiệu quả công tác chăm lo cho gia đình chính sách và người có công.

Chính quyền xã Ô Lâm thăm gia đình Đại tá Lê Thành Cư - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Không còn hộ gia đình người có công nghèo, cận nghèo

Xã Ô Lâm có 2 di tích lịch sử cách mạng được công nhận cấp quốc gia là Ô Tà Sóc - căn cứ của Tỉnh ủy An Giang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và khu du lịch Tức Dụp với trận chiến huyền thoại 128 ngày đêm năm 1968 - 1969. Xã có gần 1.500 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trong đó có 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là liệt sĩ Phan Thị Ràng, liệt sĩ Neáng Nghés và Đại tá Lê Thành Cư, ngụ ấp Ninh Thuận; 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 117 thương binh, bệnh binh; 240 liệt sĩ và trên 1.000 người có công với cách mạng.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ô Lâm luôn quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công. Tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhân các dịp lễ, tết, kỷ niệm... hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; ưu tiên giải quyết việc làm, chế độ về giáo dục, y tế cho người có công...

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Ô Lâm Nguyễn Ngọc Ngân, xã đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách cho người có công, thể hiện rõ ở việc địa phương luôn giữ vững danh hiệu “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”; đảm bảo mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư. Xã không còn hộ người có công thuộc diện nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công và thân nhân người có công, xã hỗ trợ nhà ở cho trên 500 hộ; vận động doanh nghiệp trên địa bàn xã hỗ trợ trên 20 hộ. Đến nay, trên địa bàn xã không còn hộ người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Tiếp tục chăm lo cho gia đình chính sách

Những tháng đầu năm 2025, mặc dù bận với công tác sắp xếp cán bộ, thực hiện giải thể cấp huyện, sáp nhập cấp xã nhưng cấp ủy, chính quyền 3 xã cũ là Lương Phi, An Tức và Ô Lâm luôn quan tâm chăm lo đời sống gia đình chính sách, qua đó, hỗ trợ cất mới, sửa chữa 11 căn nhà cho người có công; giải quyết các chế độ tiền tết, lễ 30/4, trợ cấp thường xuyên hàng tháng đúng đối tượng.

Ông Trần Văn Phú, ngụ ấp An Ninh chia sẻ: “Cha tôi là liệt sĩ, hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Những năm qua, địa phương luôn quan tâm, chăm lo, thăm hỏi, động viên gia đình tôi. Gia đình 2 lần được hỗ trợ cất nhà tình nghĩa. Tôi cùng con cháu tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, noi gương thế hệ cha anh tích cực lao động, sản xuất, chí thú làm ăn và tham gia các phong trào do địa phương phát động”.

Hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ủy ban nhân dân xã Ô Lâm xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm tri ân sự cống hiến, hy sinh đối với liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Xã tiếp nhận và tặng 388 suất quà của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho gia đình chính sách, với 2 mức hỗ trợ 800.000 đồng và 1 triệu đồng, tổng kinh phí 311,6 triệu đồng; tặng 272 suất quà của Chủ tịch nước cho người có công, với 2 mức hỗ trợ 300.000 đồng và 600.000 đồng.

“Việc chăm lo, thực hiện chính sách đối với người có công là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nói chung, xã Ô Lâm nói riêng. Thời gian tới, địa phương tập trung giải quyết vướng mắc, tồn đọng đối với hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng; thực hiện hiệu quả phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và người dân về chính sách người có công… Địa phương tạo điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình người có công phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội”, bà Nguyễn Ngọc Ngân nói.

Bài và ảnh: ĐỨC TOÀN