Nghiên cứu của Đức cho rằng bò là loài động vật có khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Shutterstock
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Liên bang Đức về Sức khỏe Động vật, còn được gọi là Friedrich-Loeffler-Institut, đã cấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vào 6 con gia súc. Hai con vật, trong đó có một con bê, đã có kết quả dương tính vài ngày sau đó.
Để chứng minh liệu virus lây nhiễm cho người có xâm nhập và phát triển trong cơ thể bò hay không, Giáo sư Martin Beer và các đồng nghiệp đã kiểm tra mẫu máu của chúng và phát hiện sự tồn tại cuả các kháng thể đặc hiệu với loại virus này.
“Nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trên thế giới này trên gia súc cho thấy mức độ nhạy cảm thấp với Sars-CoV-2. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng mầm bệnh có thể thích ứng bằng cách đột biến,” viện nghiên cứu cho biết trong một tuyên bố hôm 27-8.
COVID-19 là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, nhưng một số động vật cũng có thể nhiễm virus. Các nghiên cứu trước đây đã xác nhận nhiễm trùng ở chồn sương, chuột hamster, chó, mèo, chồn nâu và báo sư tử, nhưng không có dấu hiệu lây nhiễm ở chuột, gà, vịt và lợn. Các loài động vật dễ bị lây nhiễm hầu hết đều là những loài nhỏ, không được nuôi với số lượng lớn như các loài động vật được nuôi để lấy thịt trên toàn cầu.
“Tại các khu vực có nhiều gia súc và số ca mắc bệnh cao ở người như Mỹ hoặc Nam Mỹ, sự tiếp xúc gần gũi giữa vật nuôi và chủ sở hữu hoặc người chăm sóc động vật bị nhiễm bệnh, có thể dẫn đến việc gia súc bị nhiễm bệnh do động vật gây bệnh. Do đó, gia súc có thể được đưa vào diện điều tra bùng phát dịch nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nông dân hoặc nhân viên bị nhiễm virus Sars-CoV-2”, ông Beer và đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Kiểm tra thân nhiệt cho mèo tại Bangkok, Thái Lan ngày 8-5-2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP-TTXVN
Nhiều nhà máy chế biến thịt đã trở thành điểm nóng bùng phát dịch COVID-19 ở một số quốc gia. Đức đã đưa hơn 360.000 người vào diện cách ly bắt buộc sau khi một nhà máy thịt ở Guetersloh bùng phát dịch hồi tháng 6. Hàng chục cơ sở chế biến thịt tại Mỹ cũng đã phải tạm ngừng hoạt động trong năm nay vì những lý do tương tự.
Nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra để giải thích cho những sự cố này, chẳng hạn như không thực hiện giãn cách xã hội hoặc môi trường làm việc có nhiệt độ thấp và độ ẩm cao, có thể kéo dài đáng kể thời gian tồn tại của virus.
Các nhà khoa học Đức cho biết phát hiện của họ không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy thịt gia súc hoặc thịt bò “có thể là nguồn lây nhiễm cho con người”. Các mẫu thử nghiệm ở miệng và trực tràng đều cho kết quả âm tính, lượng kháng thể tương đối thấp và không có các triệu chứng đáng chú ý cho thấy sự phát triển virus ở gia súc. Gia súc khỏe mạnh được nuôi chung với những con vật bị nhiễm virus cũng không bị mắc bệnh.
“Do đó, không có lý do gì để lo lắng, nhưng chúng tôi vẫn phải theo dõi các diễn biến tiếp theo”, ông Beer cho biết.
Theo một ước tính, virus SARS-CoV-2 ở bò phổ biến rộng rãi và có thể lây nhiễm đến 90% trong tổng số 1,5 tỷ con gia súc trên toàn thế giới.
“Nhiễm trùng kép ở từng động vật có thể dẫn đến sự tái tổ hợp giữa virus SARS-CoV-2 và virus ở bò. Một loại virus di truyền học tạo thành, bao gồm các đặc điểm của cả virus đường hô hấp, có thể gây ra mối đe dọa lớn cho cả quần thể người và gia súc. Chúng cần được theo dõi”.
Giáo sư Yu Li, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, cho biết virus SARS-CoV-2 tồn tại ở bò và người “rất khác nhau”, môi trường vật chủ của chúng cũng vậy. Theo ông Yu, điều đó sẽ làm cho việc lây nhiễm chéo hoặc tái tổ hợp trở thành một “sự kiện rất khó xảy ra”.
Giáo sư cũng cho rằng phát hiện này của Đức vẫn còn sơ bộ và “mọi người không nên lo lắng về điều này khi ăn thịt bò”.
Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)