Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, bản chất methanol là cồn công nghiệp có độc tính thấp.
Khi vào cơ thể, methanol sẽ được chuyển hoá thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó thành formic axit nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Do cơ chế độc tính của methanol tác động lên hệ thần kinh là chủ yếu nên người uống sẽ thấy hoa mắt, chóng mặt, giống như say rượu.
Ngoài ra tác động đến thần kinh, uống rượu có methanol có nguy cơ bị suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc và toan hoá máu. Thậm chí, có những trường hợp gặp biến chứng nặng dẫn đến mù loà, hôn mê rồi thiệt mạng.
Uống rượu pha cồn methanol nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng. (Ảnh minh hoạ)
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thông thường, chỉ cần một lượng nhỏ methanol trong máu cũng đe dọa tổn thương thần kinh chứ chưa kể tới những trường hợp bệnh nhân ngộ độc nặng.
Khi bị ngộ độc, tuỳ vào mức độ nặng nhẹ mà bệnh nhân có những biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, nôn, hôn. Có trường hợp đau đầu, chóng mặt, hôn mê, co giật, mờ mắt, sợ ánh sáng, giãn đồng tử và khó phân biệt màu sắc.
Những trường hợp này, nếu không được cấp cứu nhanh thì sau từ 18 đến 24h sẽ khó thở, tím tái, suy hô hấp, mạch nhanh, tụt huyết áp, tổn thương não và tử vong
Phòng tránh ngộ độc thế nào?
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: Uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).
(Ảnh minh hoạ)
Vì vậy, phòng tránh nguy cơ ngộ độc rượu methanol, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
Người dân cũng không nên uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Đặc biệt, người dân không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Khi mua rượu cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, kể cả nơi bán cũng phải có đăng ký kinh doanh, việc mua bán có hóa đơn kèm mã hàng hóa nhận dạng.
Sau khi uống bất cứ loại rượu gì, nếu có những dấu hiệu bất thường như mệt mỏi nhiều, co giật, lạnh toát, tím tái, thở khò khè, đau đầu hay mê man… thì mọi người cần đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu ổn định trước sau đó kiểm tra ngộ độc cồn công nghiệp methanol.
Đối với nhân viên y tế phải cảnh giác và kiểm tra ngộ độc methanol với tất cả các trường hợp uống loại rượu trên trong vòng 8 ngày (kể cả khi có triệu chứng lâm sàng hay không).
Nhân viên ý tế chú ý bám sát phác đồ chẩn đoán ngộ độc methanol đã có; chủ động khai thác bệnh sử về loại rượu đã uống; thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán nếu bệnh nhân có một trong các biểu hiện gợi ý như mờ mắt/nhìn mờ; nhiễm toan chuyển hóa không thể giải thích bằng các nguyên nhân khác, hoặc uống rượu và có nhiễm toan chuyển hóa; chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ sọ não có tổn thương nhân bèo hai bên.
Theo PHẠM QUÝ (VTC NEWS)