Ngọt ngào vị Tết ở những xóm bánh phồng

26/01/2024 - 06:20

 - Tháng Chạp là thời điểm rất nhiều nghề đặc trưng của Tết vào vụ, đặc biệt không thể thiếu các loại bánh. Len lỏi về những xóm nghề truyền thống, thanh âm và hương vị của Tết mỗi lúc càng thêm rõ nét, hối hả, rộn ràng...

So với thời hưng thịnh hàng chục năm trước, nghề làm bánh phồng nếp ở thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) đã giảm quy mô, phần vì bánh kẹo trên thị trường hiện nay phong phú, phần vì nghề cơ cực, dày công, thu nhập không sánh bằng những ngành nghề hiện đại. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bây giờ máy móc “tiếp sức” cho con người khá nhiều công đoạn. Dù vậy, đây vẫn là nghề vất vả vì phải thức khuya, dậy sớm. Vài chục cơ sở còn níu giữ nghề kiên trì hoạt động quanh năm.

“Có người vì yêu cái nghề của ông bà truyền lại, cũng có người đến tận bây giờ vẫn được khách hàng tin tưởng, nhất định không chọn mua mối khác. Ai cũng có lý do để giữ lại nghề này. Sống bằng nghề bánh không giàu, nhưng chắc ăn là được no đủ” - ông Nguyễn Văn Xuân, đại diện làng nghề bánh phồng Phú Mỹ, chia sẻ.

Giống nếp CK92 (đã đổi tên thành giống nếp AG) là đặc sản của Phú Tân, cũng là nguyên liệu chính làm nên sản phẩm bánh phồng trứ danh. Hạt nếp đều, màu đục, khi chín có độ dẻo, mùi rất thơm, làm loại bánh nào cũng ngon. Riêng làm bánh phồng, phải trải qua rất nhiều công đoạn: Xôi nếp, quết, cán bánh, phơi, nhúng nước đường, phơi lần nữa.

Những ngày nắng tốt, khoảng 3 tiếng đồng hồ thì bánh ráo, còn tiết trời âm u thì đợi quá nửa ngày. Thành ra, sau công đoạn làm, việc phơi bánh cũng khiến người dân luôn bận rộn chân tay. Cận Tết, không khí sản xuất bánh phồng mới bắt đầu đông vui. Lao động thời vụ theo đó cũng nhân lên số lượng, tất bật làm ngày đêm cho đủ đơn hàng.

Sản xuất bánh phồng mì Ba Chúc

Nhắc đến bánh phồng Phú Mỹ, người mua luôn yên tâm về chất lượng, bởi bà con tâm niệm “mình làm mình ăn”, nên bánh được làm ra ở lò nào cũng ngon. Bánh phồng ăn sống phải cán mỏng vừa, có vị ngon béo và mùi thơm của dừa, đậu phộng. Bánh phồng nướng được làm dày hơn, khi nướng bánh nở phì rộng bằng cái nón lá, giòn tan, dậy mùi thơm đường thốt nốt.

Còn có cả loại bánh phồng nướng giòn, không “phì”, chỉ nở độ vừa phải… nhằm chiều lòng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Mỗi mùa Tết đến, số lượng bánh làm ra gấp đôi, gấp ba so ngày thường, hàng triệu chiếc bánh trên xứ cù lao mang hương vị ngọt ngào đi khắp các tỉnh, thành phố, góp phần giữ vững tiếng thơm làng nghề.

Nếu ở Phú Mỹ có bánh phồng nếp đặc trưng thì ở thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) nổi danh với bánh phồng mì hấp dẫn không kém. Theo bà Dương Thị Ngàn (Tư Ngàn), nghề này đã tồn tại trăm năm, hiện nay có hơn chục hộ còn giữ nghề.

“Trong gia đình, người khởi xướng làm bánh là bà ngoại, truyền cho mẹ, rồi đến tôi. Riêng tôi đã theo nghề này hơn 50 năm và chỉ làm 1 loại duy nhất. Bây giờ việc làm bánh phồng khỏe hơn trước nhờ có máy xay bột và máy sấy bánh, không lệ thuộc thời tiết. Tuy nhiên, vài năm nay, nguồn tiêu thụ giảm khá nhiều, tôi vẫn làm đều đặn, còn sức khỏe thì còn “đeo” nghề” - bà Tư Ngàn chia sẻ.

Theo lệ hàng năm, từ tháng Chạp, nhu cầu thị trường tăng nhiều hơn, mỗi ngày lò bánh hoạt động sáng đêm liên tục, sản lượng từ 2.000 - 3.000 cái. Từ sau dịch COVID-19 đến nay, số lượng hàng ngày ở nhà của bà Tư Ngàn chỉ còn 1.000 cái.

Để giữ được thương hiệu hàng chục năm qua, bà Tư rất kỹ lưỡng chọn nguyên liệu: Khoai mì nhiều bột và không dẻo, dừa, hạt mè, đường đều phải là loại ngon nhất. Ngoài bán tại chỗ, rất nhiều khách du lịch, khách ngoài tỉnh đặt mua bánh phồng mì sản xuất tại đây. Vậy là từ một loại bánh quê, theo thời gian bánh phồng mì trở thành sản phẩm du lịch của thị trấn miền núi.

Gắn bó với nghề làm bánh phồng mì hơn 30 năm, bà Trần Thị Trầm cân chỉnh nguyên liệu để sản xuất 3 loại bánh phồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng khách hàng. Trong đó, bánh loại nhất sẽ có thêm sữa, tăng độ ngọt béo; bánh loại nhì có dừa, đường, hạt mè; bánh loại ba không có mè.

Chỉ 3 người phụ nữ trong không gian nhỏ và làm hoàn toàn bằng thủ công, sản lượng vẫn đạt khoảng 1.000 cái/ngày. Bà Trầm cho biết, khâu quan trọng nhất để quyết định bánh ngon là tỷ lệ pha nguyên liệu và cũng là bí quyết riêng của từng thợ.

Công thức chung là khoai mì sau lột sạch vỏ sẽ đem hấp, xay mịn với đường, dừa nạo… Vì bánh đã chín sẵn ở công đoạn làm nên khi phơi khô đã có thể thưởng thức ngay. Chiếc bánh dai dai dẻo dẻo, vụn dừa sần sật, hạt mè thơm, độ ngọt béo của đường và bùi của khoai mì cuốn hút vị giác lẫn khứu giác, ăn hết 1 bánh lại xé bánh thứ 2...

Sự độc đáo của bánh phồng mì là cùng 1 chiếc bánh có thể thưởng thức thêm dạng nướng. Chiếc bánh không nở phồng như bánh phồng nếp, có màu vàng, mùi thơm nức mũi, cắn vào giòn rụm, phù hợp thưởng thức với trà nóng.

Dịp Tết về, các hộ làm bánh tăng thêm nguồn thu nhập. Gác lại chuyện thăng trầm của ngành nghề mang tiếng “xưa cũ”, những con người cần mẫn góp phần giữ lại nét đặc trưng của Tết cổ truyền, để mỗi năm một lần, người mua và người bán đều nhận về những niềm vui và giá trị ý nghĩa.

MỸ HẠNH