Người chuyên vá đáy sông

03/11/2021 - 04:26

 - Thời gian qua, ông Phùng Mỹ Luông (phường Long Hưng, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) đã tham gia thực hiện phòng, chống sạt lở ở rất nhiều địa phương. Dựa vào các tài liệu, giải pháp thi công (do các nhà khoa học đưa ra) ông Luông và các cộng sự của mình nhanh chóng điều động các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng (do chính ông sáng chế) để thực hiện.

Phát minh thiết bị

Những công trình mang tính khẩn cấp, liên quan đến xử lý sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh đa phần đều có sự tham gia của ông Phùng Mỹ Luông. Những năm 1996-2000, ở quê ông, nhiều gia đình phải sinh sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” do sạt lở bờ sông. Sống trong tình cảnh đó, ông rất thấu hiểu và chia sẻ khó khăn của bà con. Xử lý vấn đề sạt lở ở Tân Châu, năm 2006, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đoạn bờ kè dọc sông Tiền để bảo vệ trung tâm hành chính TX. Tân Châu. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 170 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 131 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn vốn ODA và trái phiếu Chính phủ.

Kè dọc sông Hậu để bảo vệ TX. Tân Châu được thi công vào năm 2007. Dự án xây dựng 1 đoạn bờ kè dài 720m, bắt đầu từ bờ bắc kênh Vĩnh An đến trước khu trung tâm thương mại. Tiêu chuẩn kỹ thuật cho kè Tân Châu là thả bao cát lấp hố xoáy dưới đáy sông, tạo mái và trải thảm đá dày 50cm. Lúc thi công kè, ông Luông là đối tác của đơn vị thi công, cung cấp bao tải đựng cát cho công trình. Với bản tính ham học hỏi, chịu khó, ông dành thời gian tìm hiểu các phần việc phải làm trong lấp hố sâu, hố xoáy. Đồng thời, ông Luông còn nghiên cứu các thiết bị chuyên dùng, phục vụ công tác thi công và những vấn đề có liên quan.

Thả bao tải cát xuống lấp hố xoáy

Trong quá trình làm việc, cùng với niềm đam mê cháy bỏng, cuối năm 2019, ông Luông là người đầu tiên trong nước sáng chế ra thiết bị thả bao tải cát lấp hố sâu, hố xoáy dưới đáy sông, mang lại hiệu quả rất lớn cho công trình. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tiết giảm thời gian, chi phí, nguồn lực cho chủ đầu tư.

Xử lý hiệu quả

Thiết bị ra đời đã góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xử lý khẩn cấp sạt lở trên địa bàn tỉnh, tạo được độ chính xác cao khi khu vực thi công có lưu tốc dòng chảy lớn, góp phần giải phóng sức người trong các công trình thi công. Năm 2019, tình hình sạt lở bờ sông xảy ra rất nghiêm trọng. Toàn tỉnh có đến 6 khu vực cần phải xử lý trong tình trạng khẩn cấp.

Ở các công trình này, một trong những việc cần làm của đơn vị thi công phải dùng bao tải, đựng đầy cát, buộc miệng rồi thả xuống đáy sông. Mục đích, lấp đầy hố sâu, hố xoáy, tạo mái cho bờ để hạn chế sạt lở. 6 công trình khẩn cấp này phải thả đến 600.000m3 cát, cần đến 1.000 người cho cát vào bao. Lúc này, việc huy động lượng người đông như vậy là rất khó thực hiện, bởi phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thế là phát minh dùng thiết bị để thay thế con người được ông Luông nghĩ ra.

“Trong lối thi công cổ điển lấp hố sâu, hố xoáy dưới đáy sông, đa phần các đơn vị thi công dùng sà lan chở cát, cho công nhân vô cát vào bao rồi thả xuống 2 bên sà lan. Cách làm này rất tốn kém, đôi lúc không đạt tiến độ đề ra. Cải tiến cách làm này, tôi đã dùng thiết bị thả bao tải cát để đẩy nhanh tiến độ, giúp bao cát thả xuống đáy sông rơi đúng điểm cần thả, máy móc thay thế cho con người rất lớn, từ đó hiệu quả mang lại cho công trình rất cao…” - ông Luông chia sẻ.

Bộ thiết bị do ông Luông phát minh, sáng chế có chiều dài 36m, chiều ngang 10m, có 24 lỗ phễu để thả cát chạy từ trên phễu xuống bao. Mỗi lỗ phễu có 2 công nhân vận hành. Khi cát chảy xuống đầy bao, 2 công nhân này đóng phễu lại, buộc bao cát và lăn xuống sông. Bình quân 1m3 cát, công nhân buộc được 23 bao và thả xuống sông trong vòng 30 phút. Cát chạy từ trên phễu xuống nhanh gấp đôi so với công nhân xúc cát bằng leng.

Đi cùng bộ thiết bị này còn có 1 sà lan chở cát, 1 pon ton, 2 máy xúc dùng để múc cát, 1 dàn máy thủy lực, 1 cái tời giảm tốc và trục quay. Từ khi có thiết bị thả bao tải cát xuống đáy sông ra đời, ông Luông và nhóm cộng sự của mình đã tham gia lấp nhiều hố sâu, hố xoáy dưới đáy sông Tiền, sông Hậu và ông Luông đã trở thành người vá đáy sông nổi tiếng trong vùng.

“Thiết bị ra đời đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình khẩn cấp, xử lý hiệu quả các yêu cầu trong thi công, giúp tăng độ chính xác khi bao cát được thả xuống hố, hạn chế đến mức thấp nhất độ hao hụt của cát trong quá trình thi công; giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhân lực con người ở mỗi công trình, tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư rất lớn…” - ông Phùng Mỹ Luông chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN