Hình ảnh người cựu chiến binh chí thú làm ăn, nuôi dạy con nên người không còn xa lạ với người dân ấp Hòa Long. Hàng ngày, hàng xóm thường xuyên bắt gặp hình ảnh người chồng, người cha mẫu mực, luôn phấn đấu, nỗ lực vươn lên với tinh thần cầu tiến rất cao. Không chỉ chăm lo kinh tế nuôi vợ và 3 người con, ông Minh còn được mọi người yêu quý, cảm phục vì tình yêu to lớn dành cho người con trai kém may mắn. Bởi, cậu con trai thứ 3 vừa cất tiếng khóc chào đời đã gánh chịu nỗi đau của chiến tranh mang tên chất độc da cam. Đến nay tuy đã 32 năm, người con ấy vẫn không nhận thức được, tay chân co rút, không đi đứng được và không làm chủ mọi sinh hoạt cá nhân. Cười khóc thất thường, nhiều lúc lại “lên cơn” la hét inh ỏi, đó là những gì con trai ông Minh phải hứng chịu trong hàng chục năm qua. Đứt ruột nhìn con chịu đau đớn, ông Minh hàng ngày nén nỗi đau, chăm sóc con từng miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân. Nhói lòng là cảm nhận của chúng tôi khi nhìn thấy cảnh cha già chăm sóc con bệnh tật.
Ông Minh cho biết: “Tham gia kháng chiến năm 1973, sau những trận chiến quên mình chống Mỹ cứu nước, tôi được xác nhận bệnh binh rồi thương binh. Đến năm 1987, tôi rời quân ngũ và trở về quê nhà ở miền Bắc. Dù cố gắng chăm lo kinh tế cho gia đình nhưng do điều kiện quá khó khăn, cả nhà di cư vào Nam và định cư tại huyện Thoại Sơn từ năm 1991 đến nay. Năm 2002, tôi giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Định Thành. Suốt 2 nhiệm kỳ, tôi luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, với quan niệm là cống hiến được gì cho địa phương thì phải cố gắng làm”. Cũng từ đó, người cựu chiến binh một mặt phải lo việc nước, mặt khác phải nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Với số tiền tích góp ít ỏi ban đầu, ông Minh mua được 5 công đất ruộng, chăm chỉ lao động sản xuất. Với quyết tâm thoát nghèo bằng chính đôi bàn tay, ý chí và nghị lực của bản thân, ông Minh vay mượn tiền và mua thêm được 10 công ruộng. Nhờ tinh thần và nghị lực vươn lên, chẳng bao lâu, người cựu chiến binh trả hết số nợ và tích góp mua thêm cả chục công đất nữa. Có lẽ vì mong muốn con cái không phải chịu cảnh cơ cực như mình mà ông Minh không tiếc hy sinh bản thân làm việc ngày đêm. Hiện, ông Minh là chủ 2 nhà trọ sinh viên (TP. Long Xuyên) với số lượng gần 44 phòng. Với thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng, cuộc sống ông Minh giờ đây đã khấm khá hơn trước rất nhiều.
Ngoài người con bị chất độc da cam, người con gái lớn và con trai út của ông Minh đã tốt nghiệp đại học. Có được thành quả hôm nay là cả chặng đường dài phấn đấu, vượt qua biết bao gian nan, khổ cực. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn thấy nỗi niềm không dễ nói thành lời qua đôi mắt và thân hình gầy guộc của ông, phải chăng đó là nỗi trăn trở dành cho người con trai không may mắn, đang độ tuổi thanh niên tươi đẹp mà không tận hưởng được ngày nào?
“Không ai muốn nghèo, nhưng cốt làm sao phấn đấu vươn lên, tạo cơ hội cho bản thân, đừng ỷ lại vào các chính sách hay lòng thương của mọi người” - ông Minh khẳng định. Giới thiệu ngôi nhà khang trang hiện nay của ông Minh, hàng xóm đều thán phục. Bởi đó là thành quả của công sức và mồ hôi lao động chân chính được người cựu chiến binh tạo dựng. Với ông Minh, hạnh phúc nhất có lẽ là những ngày cùng đồng đội kề vai sát cánh trên chiến trường. Nhìn đôi mắt tự hào khi giới thiệu tấm bằng Huân chương chiến công hạng nhất của mình, chúng tôi có thể hiểu.
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Thoại Sơn Lê Minh Lộc cho biết: “Ông Nguyễn Ngọc Minh là điển hình về sự cần cù, vượt khó, nuôi dạy con từ đôi bàn tay trắng. Dù con trai bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam, nhưng ông Minh vẫn dành hết tình thương chăm sóc mà không một lời oán than cho số phận. Ngược lại, đó còn là động lực, sức mạnh để người thương binh nghèo vươn lên trong nghịch cảnh, thành công như hôm nay!”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN