Người đàn ông bị ung thư máu cần được giúp đỡ

26/05/2021 - 05:28

 - Đó là tình cảnh đáng thương của anh Lê Văn Tuấn (sinh năm 1980, ngụ khóm Bình Khánh 1, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), vừa phải nuôi cha mẹ già bệnh tật, vừa gồng gánh 3 đứa con nhỏ nên khi căn bệnh nan y ập đến, gia đình anh Tuấn gần như bế tắc.

Anh Lê Văn Tuấn bị bệnh nhiều nên chị Sơn Thị Đen phải ở nhà chăm sóc

7 thành viên của gia đình anh Lê Văn Tuấn cùng nương tựa trong căn nhà lụp xụp, chật hẹp, thiếu trước hụt sau. Cha mẹ anh Tuấn năm nay đã 80 tuổi, bệnh tật triền miên. Hơn 10 năm trước, cha anh là Lê Văn Khuynh bị tai biến mạch máu não. Di chứng tai biến để lại kèm theo bệnh tiểu đường khiến sức khỏe cụ ông ngày càng suy yếu, thường xuyên nằm ở nhà. Mẹ anh Tuấn là bà Võ Thị Khá cũng bị bệnh tiểu đường nhưng sức khỏe đỡ hơn chút, vẫn còn đẩy xe đi thu mua ve chai, phế liệu.

Vốn gia cảnh nghèo, không được học hành nên anh Tuấn đi làm phụ hồ từ sớm. Vào chủ nhật hay những ngày không có công trình làm, anh tranh thủ đi làm thuê theo kiểu “ai kêu gì làm nấy”. Chị Sơn Thị Đen (sinh năm 1987, vợ anh Tuấn) đi làm phụ hồ với chồng, khi không có việc thì đẩy xe đi thu mua phế liệu. Dù thu nhập hàng ngày bấp bênh, không ổn định nhưng ngoài chăm sóc, thuốc thang cho cha mẹ già, vợ chồng anh Tuấn cố gắng gồng gánh thêm 3 đứa con thơ dại.

Con trai lớn Sơn Thanh Bình (sinh năm 2009) vừa kết thúc lớp 6, chuẩn bị vào lớp 7 của Trường THCS Bình Khánh. Con trai nhỏ Lê Văn Yên (sinh năm 2016) chuẩn bị vào mẫu giáo 5 tuổi, con gái út Lê Ngọc Bảo Đình (sinh năm 2019) gửi nhà trẻ. “Cha mẹ lớn tuổi nên không chăm sóc cháu được. Hai đứa nhỏ đều gửi nhà trẻ sớm để vợ, chồng yên tâm đi làm. Hàng ngày, tiền ăn, tiền thuốc, tiền học… quây quanh nên gia đình cứ thiếu trước hụt sau” - chị Sơn Thị Đen than thở.

Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng anh Lê Văn Tuấn và chị Sơn Thị Đen cố gắng lao động, tự vun vén để có cuộc sống ấm êm. Chủ thầu, người thân, hàng xóm thương tình cho gạo, mớ cá, mớ rau giúp cả nhà có được bữa cơm tươm tất.

Cuộc sống tưởng như êm đềm thì cách nay khoảng 1 tháng, anh Tuấn xuất hiện triệu chứng ho, sốt, ớn lạnh, người mệt mỏi, uể oải không lao động nổi. Tự mua thuốc uống không đỡ, anh Tuấn đi khám bệnh thì được khuyên chuyển xuống Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ do nghi ngờ có bệnh liên quan đến máu. Được chủ thầu xây dựng cùng anh em thợ hồ, người thân gom góp, hỗ trợ một số tiền, chị Đen đưa chồng xuống TP. Cần Thơ khám bệnh. Anh Tuấn được Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ chỉ định nhập viện điều trị từ ngày 4-5 đến 12-5-2021.

Bệnh viện chẩn đoán anh bị “(D64) Các thiếu máu khác - TD Suy tủy xương vô căn/(A49.9) Nhiễm khuẩn, không xác định - (E83.5) Rối loạn chuyển hóa calci”. Bệnh viện đã áp dụng điều trị “Bilan chẩn đoán, truyền máu, kháng sinh, hỗ trợ”. Anh còn được sinh thiết lấy mẫu tủy, gửi lên TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm. “Đợt điều trị vừa rồi, ngoài phần bảo hiểm y tế thanh toán, gia đình đã tốn thêm khoảng 6 triệu đồng. Bác sĩ nói bệnh này điều trị lâu dài, tốn kém. Những đợt điều trị sau, chi phí có thể còn lớn hơn” - chị Đen lo lắng.

Trưởng khóm Bình Khánh 1 (phường Bình Khánh) Lê Hồng Triết cho biết, gia đình anh Lê Văn Tuấn thuộc diện hộ cận nghèo. Phường và khóm thường xuyên vận động, hỗ trợ tiền, gạo, mua bảo hiểm y tế, thực hiện các chính sách, chế độ của hộ cận nghèo. Riêng em Sơn Thanh Bình được vận động hỗ trợ dụng cụ học tập, học phí. “Gia đình này rất khó khăn nhưng chí thú làm ăn. Anh Tuấn làm phụ hồ; mẹ già và vợ đẩy xe thu mua ve chai, phế liệu; 3 con còn nhỏ. Anh là trụ cột chính của gia đình nhưng giờ bị bệnh, phải tốn thêm chi phí điều trị nên càng khó khăn hơn” - ông Triết thông tin.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn- Chi nhánh An Giang.

NGÔ CHUẨN