Loay hoay khai báo mắc COVID-19
Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục ghi nhận trên 10.000 ca F0 và dự báo sẽ đạt đỉnh dịch trong vài tuần tới. Tuy nhiên, việc khai báo là F0 đang gặp rất nhiều khó khăn dù Hà Nội đã họp bàn giải quyết.
Anh Phạm Văn Hùng, kỹ sư điện tử làm việc tại một tập đoàn công nghệ lớn tại Thái Nguyên, thuê trọ tại phường Phương Canh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Tôi test nhanh dương tính với COVID-19 từ hôm 28/2, nhưng liên hệ theo số điện thoại y tế phường lúc bận, lúc thì không ai nghe máy. Sau đó được một người bạn đã từng bị mắc COVID-19 tại địa phương add (thêm) vào nhóm zalo những người là F0, tại đây có số hotline. Khi liên lạc được thì nhận được phản hồi sẽ có người tổ dân phố mang giấy cách ly đến và tư vấn hỗ trợ nếu cần thiết. Tuy nhiên, đợi 2 ngày không thấy ai mang giấy cách ly, xác nhận là F0 nên sáng 2/3 tôi tới trạm y tế để xin giấy xác nhận là F0. Khi đến, nhưng ngay ngoài cửa đã dán giấy thông báo cán bộ làm thủ tục là F0 nghỉ tới tận 10/3".
Thông báo của Trạm Y tế phường Phương Canh. Ảnh: NVCC
“Với những người làm tại doanh nghiệp như tôi giấy khai báo là F0 rất quan trọng vì theo hướng dẫn của nhân sự công ty phải có giấy này và giấy hoàn thành cách ly (tức là khỏi bệnh) mới được cấp giấy xác nhận nghỉ ốm đau để hưởng chế độ BHXH. Công ty tôi có hàng nghìn công nhân nên phía nhân sự đã thông báo từ trước Tết Nguyên đán phải lưu ý về các thủ tục này để hưởng 75% lương đóng BHXH”, anh Hùng cho biết.
Trong thời gian tự cách ly tại nhà, là dân công nghệ thông tin nên anh Hùng cũng đã lên mạng tìm hiểu và muốn khai báo điện tử là F0 nhưng thấy rất phức tạp. Vào trang web Sở Y tế Hà Nội có hướng dẫn khai báo điện tử nhưng chỉ là thử nghiệm nên khai xong cũng không thấy phản hồi. Đã vậy, các trường thông tin quan trọng nhất là mục Căn cước công dân thì không có vì như vậy rất khó xác thực và khó biết ai với ai.
"Tôi lên fanpage “Tôi yêu phường Phương Canh” tìm thông tin, rồi khai mẫu google forme nhưng kiểu khai thông tin như thế này vừa thủ công, làm khó cho cả người dân lẫn cán bộ y tế. Ứng dụng công nghệ ở mức sơ đẳng "kiểu 0.4" này có cách đây cả chục năm", anh Hùng chia sẻ.
Còn với chị Nguyễn Thị Thu, ở phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi bị tái nhiễm COVID-19 từ cuối tháng 2/2022 do lây từ con đi học tại trường. Chồng và con lần đầu trở thành F0. Trước tôi là F0 thì phường đến giăng dây, khử khuẩn. Lần này gọi điện thoại vài lần không được nên tôi không khai báo nữa. Do đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 trước đó và có kinh nghiệm nên thấy cũng bình thường và nhìn hàng xóm bị mắc COVID-19 nhưng khai báo xong cũng không được hỗ trợ gì nên thấy không cần khai báo".
Lên các diễn đàn fanpage (Tôi yêu phường/thị trấn….) do Thành đoàn hướng dẫn các đoàn cơ sở lập hơn năm qua để tương tác với người dân một cách chính thống cho thấy rất nhiều lời than phiền của người dân về việc liên lạc với y tế cơ sở nhưng không kết nối được.
Đơn cử như fanpage “Tôi yêu phường Xuân La” quận Tây Hồ, người dân cũng thông tin không liên lạc được với cán bộ y tế phường. Tuy nhiên, khi ra xin xác nhận tại trạm y tế thì được biết gần như cán bộ phường Xuân La là F0.
Người dân than phiền trên diễn đàn vì không liên lạc được với cán bộ y tế phường.
Hướng dẫn người dân khai báo qua nhắn tin vào Zalo.
Anh Hoàng Bách, chuyên gia công nghệ thông tin chia sẻ: Từ thực tế đi nộp hồ sơ làm thủ tục giấy chứng nhận ốm đau hưởng BHXH cho người nhà tại trạm y tế phường cho thấy chủ yếu cán bộ làm thủ công. Khai hồ sơ bằng giấy, xác nhận bằng giấy, nộp tại trạm y tế phường để ra quyết định cách ly, hết cách ly, giấy ốm đau hưởng BHXH vừa mất thời gian lại dễ lây nhiễm thành F0, lãng phí thời gian. Quy trình hiện nay, công việc ở phường phải mất từ 4-6 người làm may ra mới đáp ứng được. Thời đại công nghệ 4.0 nên có nền tảng, ứng dụng công nghệ dùng chung.
"Đơn cử khai báo như hiện nay, nếu một người có hộ khẩu ở phường Đội Cấn (Ba Đình) nhưng tạm trú ở phường Xuân La (Tây Hồ), về lý thuyết họ có thể khai báo tại 2 nơi. Nhập thông tin ở hai quận khác nhau thì không thể xác định được đó chỉ là 1 người. Khai báo ứng dụng dùng chung chỉ cần nhập họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số căn cước công dân thì sẽ xác nhận được ngay sự trùng lắp; thậm chí có dữ liệu chung sẽ biết người nào tái nhiễm, thời gian khỏi bệnh, sức khỏe… Nhưng quan trọng hơn là thay vì vài người ngồi nhập dữ liệu do người dân chuyển đến thì người dân tự khai và nhân viên y tế chỉ giám sát xem khai đã đúng hay chưa. Vừa giảm thời gian, đỡ tốn nhân lực. Tốt nhất là dùng những nền tảng sẵn có, còn tạo dựng nền tảng mới sẽ mất thời gian đào tạo, tập huấn. Trong khi thực tế ứng dụng, nền tảng công nghệ sẵn có về phòng dịch đã triển khai có thể tận dụng như sổ sức khỏe điện tử, khai báo y tế, PC-COVID…", anh Hoàng Bách chia sẻ.
"Hiện nay việc F0 điều trị tại nhà chủ yếu là tự cách ly trên tinh thần tự giác. Cũng không ai giám sát, kiểm tra. Nhiều người còn bị trạm y tế phường yêu cầu mang kit tets đến phường để họ lấy mẫu, test lại mới xác nhận dương tính. F0 đi lại ngoài đường như vậy thì việc ra quyết định cách ly chỉ mang tính hình thức. Do đó, cơ quan chức năng có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, chỉ cần xác nhận cho người dân khai báo nhiễm COVID-19, là F0 điều trị trong khoảng thời gian cách ly, sau đó địa phương cấp giấy xác nhận ốm đau điều trị COVID-19 để hưởng BHXH", anh Phạm Văn Hùng đề xuất.
Chờ chính sách gỡ vướng
Tại cuộc họp giao ban phòng dịch mới đây của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cũng xác nhận việc quá tải tại tuyến y tế cơ sở. Việc giải quyết thủ tục hành chính khiến 5-6 nhân viên phải làm việc này. Do đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin càng sớm càng tốt. Dù đã chỉ đạo nhưng thực tế tại các tuyến y tế cơ sở vẫn đang làm theo phương pháp thủ công.
Người dân đến trạm y tế phường khai báo, test COVID-19. Ảnh: LP
Lãnh đạo các quận, huyện tại Hà Nội cũng thừa nhận với thủ tục hành chính về cách ly, hết cách ly và cấp giấy chứng nhận ốm đau hưởng BHXH như hiện nay đang khiến tuyến y tế phường, xã quá tải. Với những địa phương có ca mắc tăng nhanh thì đa phần nhân lực y tế dành thời gian cho thủ tục hành chính này cho người lao động. Một số nơi huy động thêm các tổ chức đoàn thể hỗ trợ trạm y tế cơ sở. Với số ca mắc tăng nhanh như hiện nay, nếu tiếp nhận đăng ký đúng, đủ thì số lượng thực tế sẽ cao hơn rất nhiều con số công bố.
Còn đại diện BHXH Việt Nam cho biết: "Trong quá trình thực hiện chính sách BHXH cũng nhận thấy số lượng người mắc COVID điều trị tại nhà gia tăng mà Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên chưa có quy định về việc cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH đối với các F0 điều trị tại nhà, tại các cơ sở thu dung điều trị, cơ sở 3 tại chỗ… cũng như người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 7 tuổi là F0 điều trị tại nhà. Do đó, từ tháng 6/2021 đến đầu năm 2022, BHXH Việt Nam đã có 5 công văn đề xuất với Bộ Y tế về gỡ vướng với thực trạng này".
Tuy nhiên đến ngày 14/1/2022, Bộ Y tế mới có Công văn số 238/BYT-KCB tại điểm 2, điểm 3 nêu: “Hiện nay các Văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đồng thời chưa có quy định chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan BHXH làm cơ sở quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động (NLĐ). Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản Luật để báo cáo, đề xuất với Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết các vấn đề nêu trên”.
Trong khi đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa có báo cáo gửi Tổ công tác thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 về một số lĩnh vực liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, đáng chú ý là tại một số địa phương, nhiều NLĐ mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà đang gặp khó khăn khi xin Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, việc cấp GCN nghỉ việc hưởng BHXH do Trung tâm y tế (TTYT) cấp huyện thực hiện, trong khi các trạm y tế (TYT) cấp xã chỉ cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc hoàn thành điều trị COVID-19 tại nhà. NLĐ không thể sử dụng Giấy xác nhận của TYT cấp xã để tiến hành các thủ tục hưởng BHXH. Đây là vấn đề đã được nhiều địa phương phản ánh đến Bộ Y tế đề nghị cần có hướng dẫn để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ mắc COVID-19.
Đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy, do số lượng người mắc COVID-19 hiện quá nhiều, dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, ở một số nơi (đặc biệt là ở những tỉnh, thành phố đang có số ca mắc cao như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh), người mắc COVID-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ từ y tế địa phương trong việc tư vấn về đơn thuốc, đặc biệt là trong công tác khai báo, lập danh sách các ca mắc. Nhiều người bệnh phải tìm các đơn thuốc trên mạng xã hội, chưa có kiểm chứng của cơ quan y tế, nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Ở một số phường của Hà Nội, người bệnh phải ra TYT để nhận và khai báo trên bản giấy, TYT cũng không được cung cấp kít xét nghiệm mà người nghi nhiễm phải tự mang kít xét nghiệm đến, nhân viên y tế chỉ thực hiện lấy mẫu giúp và báo kết quả. Việc tập trung đông người đến TYT để khai báo và lấy mẫu gây phiền hà và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Cũng theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hiện nay, có tình trạng nhiều người khi phát hiện mắc COVID-19 đã không khai báo với y tế địa phương, mà tự điều trị tại nhà gây khó khăn cho địa phương, ngành Y tế trong công tác giám sát, quản lý số lượng người mắc COVID-19 trên địa bàn. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi rác thải của những người mắc COVID-19 này không được xử lý đúng quy trình. Theo phản ánh của người dân, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.
Cùng với đó, để đảm bảo quyền lợi, giải quyết kịp thời chế độ BHXH của NLĐ mắc COVID-19 tại nhà nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề chưa được quy định trong các văn bản luật hoặc cần thực hiện khác với quy định của luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho công tác điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.
Theo XM (Báo Tin tức)