Người đưa giai điệu quê hương vươn xa

09/04/2019 - 07:56

 - Sinh ra và lớn lên ở cù lao Phú Tân, nhạc sĩ Lê Hồng Phúc tự nhận đó là một may mắn. Gia đình anh rất yêu văn nghệ, cha và anh trai là “nòng cốt” trong phong trào đờn ca tài tử. Quê hương với tình đất, tình người nuôi dưỡng cảm xúc trong anh viết nên những ca khúc ngọt ngào mang đậm màu sắc, hơi thở của miền Tây.

Quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình, anh Phúc chọn học Sư phạm Âm nhạc tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Phú Tân, hiện nay, công chúng biết đến anh qua nhiều bài hát đặc trưng về “xứ nếp”, ngợi ca con người cần cù trong lao động sản xuất. Bút danh Lê Hồng Phúc dần trở nên quen thuộc, gắn với các ca khúc dân ca Nam Bộ ngọt ngào như: “Về nghe câu hát tình quê”, “Hương mía tình em”, “Hương sắc miền Tây”. Anh còn đạt giải trong các cuộc thi viết ca khúc do tỉnh, ngành phát động, như: cuộc thi “Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học- nghệ thuật, báo chí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2016-2017”; ca khúc “An Giang sáng mãi tên người” chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Tôn; ca khúc “Vì bình yên cuộc sống” chủ đề an toàn giao thông do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động và được Công an tỉnh tặng giấy khen. Anh Phúc tích cực hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh, đoàn sinh viên, các phong trào tại trung tâm, hoạt động văn hóa ở cơ sở, chương trình văn nghệ chuyên đề. Các ca khúc được phục vụ thường xuyên trong lễ hội chính trị, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến gần người dân hơn, dễ hiểu hơn.

Người đưa giai điệu quê hương vươn xa

Nhạc sĩ Lê Hồng Phúc

Phát huy sở trường của mình, nhạc sĩ Lê Hồng Phúc mở rộng viết ca khúc thể loại trữ tình, bolero, quê hương… cộng tác cho một số ca sĩ ở TP. Hồ Chí Minh và hiện đã trở thành một trong những tên tuổi quen thuộc góp mặt trong ca khúc các ca sĩ như: Đông Đào, Dương Hồng Loan, Lưu Ánh Loan, Hà My, Nhật Kim Anh… cùng nhiều ca khúc trữ tình do các nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện. Thưởng thức âm nhạc của Lê Hồng Phúc, người nghe có thể thấy sợi dây nối dài giữa truyền thống và hiện đại trong âm nhạc. Bởi, cảm xúc lẫn cốt cách chính con người của anh truyền tải vào phần lớn bài nhạc vẫn mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, tình cảm chân chất của con người vùng sông nước hiền hòa. Nhạc sĩ Lê Hồng Phúc chia sẻ, đi khắp vùng đồng bằng, cảnh người, cảnh vật có thể tương đồng nhưng mang đến cho anh những cảm hứng sáng tác mới mẻ, đời sống gần gũi để anh viết nhạc thêm sâu sắc. Đôi khi bất chợt nắm bắt cảm xúc trong khoảnh khắc một tiếng rao, một câu hò, tức thì anh đã có thể viết xong một bài hát.

Đến nay, nhạc sĩ Lê Hồng Phúc đã sáng tác trên 80 ca khúc, anh đang ấp ủ thực hiện một đêm nhạc riêng mình và chuẩn bị lấn sân qua viết nhạc phim. Anh Phúc trần tình: “Mình còn trẻ, khỏe thì sống hết mình cho nghệ thuật. Tôi đam mê viết nhạc để quảng bá về quê hương nói riêng, miền Tây nói chung, đồng thời cũng muốn thử sức ở bên ngoài để tự nâng cao tay nghề”. Đam mê và được thể hiện mình, nhưng anh phân định rạch ròi việc làm nghệ thuật chỉ là “nghề phụ”, viết nhiều để nâng cao nghiệp vụ, còn phần chính quan trọng vẫn là nhiệm vụ chuyên môn đang phụ trách tại cơ quan. Anh xem những việc đã và đang làm vừa là thử thách để phát triển bản thân, vừa tích góp kinh nghiệm, cách làm hay để vận dụng cho nghiệp vụ chuyên môn, giúp phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Theo nhạc sĩ Lê Hồng Phúc, phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở nói chung hiện đang “đứng chựng” bởi đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng. Đặc biệt, kinh phí hoạt động chưa đảm bảo để dàn dựng một chương trình chất lượng, trong khi người dân hiện nay có rất nhiều lựa chọn để giải trí và tiếp nhận. Do đó, với những trải nghiệm và sự tích lũy của cá nhân, anh luôn tìm cách phù hợp vận dụng, mong muốn phong trào văn hóa, văn nghệ của quê nhà nói riêng, của An Giang nói chung sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

MỸ HẠNH