Thông tin từ Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia cho hay, từ ngày 1/11, việc liên thông mã QR giữa 2 ứng dụng phòng chống dịch PC-Covid và VneID đã hoàn thành.
Vì thế, hiện tại, khi dùng ứng dụng PC-Covid, người dân đã có thể quét QR địa điểm do VNeID tạo ra để ghi nhận thông tin đã đến các địa điểm. Cùng với đó, người kiểm soát vào ra các địa điểm cũng đã có thể dùng ứng dụng PC-Covid để quét QR cá nhân của người dùng VNeID ghi nhận thông tin vào ra.
Hiện tại, các chủ địa điểm đã có thể sử dụng PC-Covid để quét mã QR của người dùng VNeID.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, do đang chờ cập nhật phiên bản mới, người dùng ứng dụng VNeID hiện chưa quét được QR cá nhân cũng như QR địa điểm được tạo ra bởi PC-Covid. Việc này sẽ thực hiện được trong những ngày sắp tới, sau khi VNeID hoàn tất khâu cập nhật ứng dụng.
Khi đó, người dân và các chủ địa điểm sẽ thuận tiện hơn trong quét mã QR để kiểm soát vào ra. Chủ địa điểm có thể dùng ứng dụng PC-Covid để ghi nhận thông tin người đến. Người dân khi đến các địa điểm có thể xuất trình mã QR cá nhân trên PC-Covid, VNeID, Sổ Sức khỏe điện tử hay mã QR trên Căn cước công dân, thẻ Bảo hiểm y tế để chủ địa điểm quét.
Bên cạnh đó, cũng từ ngày 1/11, các chủ địa điểm khi dùng PC-Covid quét mã QR trên Căn cước công dân, thẻ Bảo hiểm y tế có thể kiểm tra được thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của người dân.
Trước đó, kết luận hội nghị trực tuyến ngày 16/10 quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư, Lãnh đạo 3 Bộ: Y tế, Công an, TT&TT đã thống nhất chỉ sử dụng 3 ứng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 gồm: PC-Covid do Ban chỉ đạo quốc gia chỉ đạo xây dựng phục vụ phòng chống dịch Covid-19; VNeID - ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân do Bộ Công an quản lý và là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội; Sổ Sức khỏe điện tử - ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của người dân, trong đó có dữ liệu về tiêm chủng do Bộ Y tế quản lý. Ba nền tảng này liên thông dữ liệu với nhau, xác thực thông tin cho nhau.
Lãnh đạo 3 Bộ Y tế, Công an, TT&TT thống nhất việc yêu cầu các địa phương triển khai dùng chung 1 mã QR. Theo đó, khi sử dụng trên ứng dụng di động thì dùng chung mã QR cá nhân.
Ngoài ra, để thuận tiện hơn nữa cho người dân trong quá trình sử dụng PC-Covid tham gia phòng chống dịch, hỗ trợ truy vết, khoanh vùng dịch, trong phiên bản sắp tới của ứng dụng, nhóm phát triển sẽ bổ sung tính năng cho phép quét QR ghi nhận vào ra các địa điểm, ngay cả khi không có mạng Internet.
Top 10 địa phương có tỷ lệ người dùng ứng dụng PC-Covid trên dân số cao.
PC-Covid là ứng dụng phòng chống dịch được phát triển và đưa vào vận hành từ cuối tháng 9/2021, trên cơ sở tổng hợp tính năng của các ứng dụng phòng chống dịch trước đó như Bluezone, NCOVI, VHD... và được thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất với người dùng. Trong đó, cấp và quản lý mã QR cá nhân và địa điểm, quét mã QR là những chức năng quan trọng của PC-Covid, đang hỗ trợ đắc lực các địa phương trong công tác phòng chống dịch, thông qua việc triển khai nền tảng khai báo y tế và quản lý thông tin người vào ra những địa điểm bằng mã QR.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/10, ứng dụng PC-Covid đã có trên 27,6 triệu người sử dụng thường xuyên. Top 10 địa phương có tỷ lệ người dùng ứng dụng PC-Covid trên dân số cao lần lượt là Bình Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Dương và Đồng Nai.
Theo VÂN ANH (Vietnamnet)