Người Nga nghi ngờ Mỹ đánh cắp thiết kế “Status-6“

30/10/2019 - 09:04

Các tài liệu cho thấy, người Mỹ đang tạo ra một "Poseidon" tương tự của của Nga, nhưng không phải họ bắt đầu từ con số không.

Trí tuệ nhân tạo vào cuộc

Hải quân Mỹ đang tìm cách tăng cường sức mạnh thông qua đội tàu ngầm, bao gồm tàu ngầm không người lái (UUV) siêu lớn. Điều này đã được tiết lộ qua một ấn phẩm của tạp chí National Defense (ND), được hỗ trợ bởi Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Hoa Kỳ (NDIA) và được biết đến như một cổng cung cấp "thông tin có độ tin cậy cao và khách quan về xu hướng kinh doanh và công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia". Trong thực tế, những người vận động hành lang NDIA có liên hệ chặt chẽ với văn phòng của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Chương trình phát triển UUV của Hải quân Mỹ; Nguồn: hisutton.com

Thông tin về các hệ thống hải quân không người lái lớn đang được phát triển ở Mỹ đáng được quan tâm một cách nghiêm túc và cần có sự đánh giá khách quan của chuyên gia, chúng là những tín hiệu gửi đến các đối thủ tiềm năng. Theo Pete Small - Giám đốc Chương trình Phát triển Hệ thống Hàng hải Không người lái của Hải quân Mỹ, Hải quân nước này đã ký hợp đồng với Tập đoàn Boeing để chế tạo 5 nguyên mẫu UUV Orca (tiếng Latin, nghĩa là Cá voi Sát thủ). Ban đầu, chỉ dự tính bốn chiếc UUV, nhưng vì mối quan tâm lớn và triển vọng tốt, Lầu Năm Góc quyết định làm thêm một chiếc.

Trang Global Security mô tả dự án này như là dự án hợp tác của các tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Mỹ là Boeing và Huntington Ingalls Industries (HII), mà một vài năm trước đây đã thử nghiệm thành công tàu ngầm-robot dài 15 mét lặn sâu mang biệt danh Echo Voyager. Global Security đề cập đến sự phát triển của mô hình này ở cấp độ một đơn vị chiến đấu toàn diện hoạt động dưới sự kiểm soát của trí tuệ nhân tạo.

UUV Orca

Không có nhiều thông tin về tàu ngầm Orca là dễ hiểu. Điều gây tò mò là kích thước của Echo Voyager và tàu ngầm không người lái Poseidon của Nga giống hệt nhau, cho thấy sự tương đồng của các ý tưởng thiết kế. Đúng là Status-6 của Nga (tên dự án của Poseidon) ban đầu được phát triển dưới dạng một sát thủ tự động hoàn toàn hoạt động gần cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự ven biển của kẻ thù tiềm năng, trong khi nguyên mẫu Orca của Mỹ dùng để thám hiểm đáy biển.

Mô hình tàu ngầm Orca của Boeing; Nguồn: hisutton.com

Và mặc dù các chi tiết kỹ thuật của việc sửa đổi Echo Voyager không được đề cập vì lý do bảo mật, Global Security đã tiết lộ rằng, Orca được thiết kế có khoang hàng 9m3, có thể chứa tàu ngầm không người lái, tên lửa và thậm chí cả đầu đạn nguyên tử với chiều dài hơn 3m và đường kính lên tới 1,6m. Ngoài ra, nếu cần thiết, Orca có thể mang một tải trọng bên ngoài thân tàu, ví dụ, ngư lôi hạt nhân, nếu không thể để trong khoang hàng - như vậy, chức năng của tàu ngầm-robot mới đã được mở rộng, cả trinh sát và cung cấp vũ khí.

Đối với động cơ, rất có thể được lấy từ Echo Voyager và tất nhiên, được cải tiến. Như đã biết, Tập đoàn Boeing tích hợp thành công động cơ diesel-điện chu trình kín trên UUV của mình. Người ta chỉ có thể đoán Orca thực sự có thể bơi dưới nước bao xa, vì Lầu Năm Góc cố tình che giấu các tính năng của nó. Tính đến việc Orca lặn hoàn toàn từ các căn cứ hải quân, ví dụ từ Guam - nơi Hải quân Mỹ đặt căn cứ, đến bờ biển Trung Quốc và quay trở lại, nó cần phải vượt qua 3.000km (Trung Quốc đang tự tin tranh chấp sự lãnh đạo của người Mỹ ở Biển Đông - nơi đã trở thành một mối bất hòa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới).

Tàu ngầm-robot EchoVoyager của Hải quân Mỹ; Nguồn: hisutton.com

Theo John Moses - người chịu trách nhiệm phát triển ắc quy lithium-ion cho Hải quân Mỹ - ắc quy đã trở thành một trở ngại và là vấn đề số 1, "thật khó để tìm ra phiên bản ắc quy an toàn với điện dung đủ có thể được sử dụng trên các phương tiện không người lái dưới nước". Thiếu chúng, không thể nói đến những chuyến đi dài bí mật, và như vậy, người Trung Quốc hoặc người Nga sẽ sớm phát hiện ra UUV và tóm nó. Global Security tin chắc các kỹ sư của Boeing và HII đã đạt được tiến bộ trong vấn đề ắc quy, nếu không, Hải quân Mỹ đã không quan tâm đến thiết kế này.

Về kinh phí, National Defense cho biết, hợp đồng đã ký được Bộ quốc phòng Mỹ ước tính trị giá 274 triệu USD cho năm chiếc Orca, nghĩa là, gần 55 triệu USD/chiếc. Trong khi đó, vào năm 2017, Lầu Năm Góc đặt một nguyên mẫu duy nhất Orca (hợp đồng N00024-17-C-6307), đã trả cho các nhà phát triển 42 triệu USD. Nhưng vào tháng 3/2018, Washington đã chính thức đưa Status-6 vào bộ ba hạt nhân Nga, giá dự án đã được nâng lên 92,6 triệu USD (yêu cầu ngân sách năm tài chính 2019).

Nghi vấn

Sau khi Tổng thống Nga Putin cho biết, các phương tiện không người lái dưới nước có khả năng di chuyển ở độ sâu lớn và phạm vi liên lục địa với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với tàu ngầm, ngư lôi tiên tiến nhất và tất cả các loại tàu mặt nước, đã được phát triển ở Nga, một kiểm toán chuyên ngành Mỹ đã xác định tổng mức chi phí cho việc thực hiện hợp đồng đòi hỏi 300.000 giờ lao động trực tiếp, bao gồm cả chi phí lao động của các nhà thầu phụ - (tương đương 100 người làm việc trong một năm, từ thiết kế đến lắp ráp một UUV cực lớn) - một nỗ lực kỹ thuật và công nghệ quá bé để tạo ra một thiết bị phức tạp như vậy. Tất cả điều này tạo ra lý do để nghĩ rằng một cái gì đó tương tự người Mỹ đã làm trước đó hoặc ... họ đánh cắp. Nếu không, họ đã phải chi phí đắt hơn nhiều.

Tuy nhiên, Boeing và HII chỉ có thể mua các giải pháp dân sự có sẵn, có thể từ Trung Quốc, kết hợp chúng thành một. Dù như vậy, các công nghệ nền tảng cho Orca cũng sẽ được sử dụng để phát triển một thiết bị tự động dưới nước khác có tên Snakehead. Về bản chất, có một sự trùng lặp của các hệ thống và cơ chế. Sự khác biệt duy nhất là Snakehead vốn giống đúc Poseidon của Nga về thiết kế, là được vận chuyển đến địa điểm phóng bằng các tàu ngầm được chuyển đổi đặc biệt.

Theo Small, Snakehead đầu tiên sẽ bắt đầu được thử nghiệm sau một năm và sản xuất thử nghiệm các lô nhỏ vào năm 2022. Chuyên gia này tự tin rằng, cả hai hệ thống Orca và Snakehead sẽ được tích hợp trí tuệ nhân tạo trong tương lai gần - điều một lần nữa, cho phép người Mỹ cảm thấy tự tin hơn trong đại dương. Như vậy, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới của cuộc đối đầu dưới nước - nơi chiến đấu với nhau không phải là người, mà là trí tuệ nhân tạo của các quốc gia tham gia chạy đua vũ trang.

Theo VOV