Làm đủ thứ nghề
Hoàn cảnh nghèo gặp nhau, chị Néang Om kết hôn với anh Lý Văn Phương và có được 3 mặt con. Không đất sản xuất nên đôi vợ chồng trẻ làm đủ thứ nghề để lo cho gia đình nhỏ. Anh Phương nhận bất cứ công việc làm thuê nào mà bà con trong xóm yêu cầu, còn chị Néang Om thì tùy theo mùa mà suốt ngày đạp xe đi thu gom đậu phộng, trái chúc, trái trâm để bán lại.
Cuộc sống tưởng như yên ấm thì từ giữa năm 2018, anh Lý Văn Phương trở bệnh, được bác sĩ chẩn đoán có cơn đau quặng thận, loét dạ dày, viêm gan B cấp. Sau nhiều đợt chữa trị tuyến huyện rồi tuyến tỉnh, bệnh anh Phương chuyển qua ung thư gan, sức khỏe ngày càng suy yếu. Do không tiền để đưa chồng lên tuyến trên điều trị nên chị Néang Om buộc lòng phải để anh nằm nhà uống thuốc nam. Hàng ngày, chị đạp xe vài chục cây số bán đậu phộng lo cho gia đình. Số tiền lời vài chục ngàn đồng/ngày không đủ lo thuốc men cho chồng và nuôi 3 đứa con nhỏ nên chị phải chạy vạy mượn bà con, hàng xóm thêm.
Căn nhà xuống cấp không an toàn cho 4 mẹ con
Cách nay khoảng nửa năm, anh Phương qua đời, để lại cho người phụ nữ Khmer 3 đứa con nhỏ, căn nhà xiêu vẹo, xuống cấp, thủng lỗ chỗ cùng khoản nợ hơn 5 triệu đồng vay mượn để mua thuốc thang. Chồng mất, chị Néang Om lại tiếp tục một mình lo cho gia đình. Công việc không mấy tiến triển với chiếc xe đạp đi thu gom đậu phộng, trái cây vùng núi theo mùa.
Gánh nặng trên vai người mẹ trẻ
Năm nay, bé Néang Kim Chi (8 tuổi) bước vào lớp 3, bé Lý Văn Phú (4 tuổi) đi học mẫu giáo, còn bé Néang Kim Sang mới 2 tuổi buộc phải để ở nhà vì vùng An Tức không có nhà giữ trẻ. Căn nhà ộp ẹp, xuống cấp không an toàn cho 4 mẹ con mùa mưa bão nên chị Néang Om đã sang nhà ba mẹ ruột ở gần đó sống tạm. Gia đình ba mẹ cũng khó khăn nên một mình chị phải xoay sở lo cho 3 đứa con. “Vào mùa chúc có trái rộ, tôi đi thu gom về cân lại cho bạn hàng cũng kiếm lời được 80.000-90.000 đồng/ngày. Bây giờ mùa chúc đã hết mà mùa đậu phộng chưa đến nên không có thu nhập. Sáng tôi gửi bé nhỏ ở nhà cho mẹ, đưa 2 đứa lớn đến trường rồi kiếm việc làm thuê nhưng bữa được, bữa không. Mấy ngày nay, bé Néang Kim Sang bị sốt, tôi phải ở nhà chăm sóc nên cuộc sống càng khó khăn. Lúc chồng bệnh, tôi có mượn tiền chòm xóm lo thuốc men. Nay thấy mẹ con khổ quá nên bà con cũng không nỡ đòi” - chị Néang Om bộc bạch.
Đến nay, Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang đã phối hợp chính quyền xã An Tức trao được 2 đợt hỗ trợ của bạn đọc cho chị Néang Om với số tiền 6 triệu đồng (đợt đầu 5 triệu đồng, đợt sau 1 triệu đồng). “Đối với mẹ con tôi, số tiền này là rất lớn. Cũng nhờ sự hỗ trợ kịp thời của bạn đọc Báo An Giang mà đầu năm học mới, tôi ắm sửa được cho các con vài bộ đồ mới, mua dụng cụ học tập cho chúng. Mong ước của tôi bây giờ là trả được hết nợ cũ, có chút vốn mua bán tại chỗ để có nguồn thu nhập ổn định, lo được cho 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn” - chị Néang Om chia sẻ.
Mong ước đơn giản của người phụ nữ Khmer sẽ trở thành hiện thực, nếu có được sự chung tay giúp đỡ của bạn đọc cùng các nhà hảo tâm.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN