Khu vực trung tâm của mưa sao băng Delta Aquarids - Ảnh VACA
Thông tin trên vừa được ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết chiều nay, 23-7.
Theo ông Sơn, mưa sao băng Delta Aquarids là hiện tượng diễn ra từ 12-7 đến 23-8 hàng năm, với điểm rơi vào khoảng từ 27 đến 29-7. Khoảng 2 giờ sáng cho tới trước bình minh, người xem nên hướng về phía chòm Aquarius - tâm điểm của trận mưa sao băng ở bầu trời phía nam.
Trận mưa sao băng này cũng trùng với nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Do đó, cực điểm của mưa sao băng đúng vào thời điểm trăng tròn nên người xem không quan sát được nhiều sao băng.
“Mưa sao băng Delta Aquarids có nguồn gốc từ ngôi sao chổi nổi tiếng 1P/Halley. Trên đường đi, sao chổi để lại mảnh vụn, tạo thành những dải thiên thạch dài. Hàng năm, khi trái đất cắt ngang qua đường đi của sao chổi này, các thiên thạch lao vào khí quyển trái đất và cháy sáng”, ông Sơn cho biết.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, người dân trên khắp lãnh thổ Việt Nam có thể chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ kéo dài từ từ 00 giờ 14 phút đến 6 giờ 28 phút ngày 28-7.
Đây là nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 diễn ra trong năm 2018. Trước đó, tối 31-1 đầu năm cũng đã diễn ra nguyệt thực toàn phần.
Sau hiện tượng lần này, người quan sát ở Việt Nam phải đợi tới tháng 5-2021 để được ngắm nguyệt thực toàn phần tại khu vực các tỉnh miền Nam. Còn người dân ở khu vực miền Bắc phải đợi đến tháng 11-2022 để có thể quan sát tiếp hiện tượng này.
Theo Thanh Niên