Ông Nguyễn Văn Nguyễn sinh ngày 15/3/1910, tại làng Điều Hòa (nay là TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), con của một thầy giáo dạy chữ Nho kèm chữ quốc ngữ. Mồ côi cha lúc 10 tuổi, nhờ người mẹ tần tảo chăm lo, ông được học hành. Sau khi đỗ bằng Thành chung tại Trường Collège de Mytho, ông được cấp học bổng Trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn. Nhưng sau đó, ông bị đuổi học do tham gia đấu tranh đòi Pháp trả tự do cụ Phan Bội Châu (năm 1925), dự lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh (năm 1926).
Năm 1928, nhờ sự dìu dắt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ông được kết nạp vào hội. Năm 1929, ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng, là người đầu tiên ở Mỹ Tho vào tổ chức này. Năm 1930, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động ở Sài Gòn. Đến tháng 7/1930, ông bị địch bắt, không đủ chứng cớ nên bị kết án 3 tháng tù treo.
Gần 12 tháng sau, ông lại bị địch bắt ở tỉnh Trà Vinh. Bất lực trước ý chí gang thép của chiến sĩ cộng sản, tháng 4/1932, địch đày ông ra Côn Đảo. Tại địa ngục trần gian, ông cảm hóa nhiều người đi theo cách mạng; đòi cải thiện chế độ lao tù, viết báo, dạy chữ, soạn kịch, cải lương, sinh hoạt văn nghệ… góp phần tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Tháng 8/1934, mãn hạn tù, ông về Sài Gòn tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông viết nhiều bài báo giá trị đăng trên các báo: La Lutte (Tranh Đấu), Dân Quyền, Mai, Việt Nam và Đông Phương tạp chí ở Mỹ Tho... Trong đó, phóng sự về Côn Đảo đăng liên tục nhiều kỳ trên Báo La Lutte vạch trần chế độ lao tù dã man và hà khắc của thực dân Pháp.
Theo chỉ thị của Đảng, đầu năm 1935, ông ứng cử vào Hội đồng Quản hạt Nam kỳ, nhưng không được chính quyền Pháp chấp nhận. Ngày 1/5/1935, đề phòng ông cổ súy quần chúng đấu tranh nhân Ngày Quốc tế Lao động, địch bắt giam ông mấy ngày rồi thả ra. Đầu năm 1936, phong trào Đông Dương đại hội do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động, ông hăng hái tham gia.
Với danh nghĩa một nhà báo, ông tuyên truyền, giáo dục quần chúng, vận động giới trí thức tham gia. Với quan điểm "Nhà báo phải là chiến sĩ cách mạng", dù ở cương vị lãnh đạo nào, ông đều lấy ngòi bút và báo chí làm vũ khí đấu tranh. Kiến thức uyên bác và tài hoa trên nhiều lĩnh vực, bằng văn phong sắc sảo, có sức lay động lòng người, Nguyễn Văn Nguyễn tạo nên uy tín cao trong giới báo chí Nam bộ lúc đó.
Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, ông nhiều lần bị địch bắt, trong đó 2 lần bị đày ra Côn Đảo. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ông cùng một số đồng chí vượt ngục Côn Đảo về Sài Gòn, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1945, ông được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 25/8/1945, trước hàng triệu đồng bào dự mít-tinh, trên ban công tòa thị sảnh Sài Gòn vang lên lời tuyên bố của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương do Nguyễn Văn Nguyễn tuyên đọc. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4/1953, tin ông Nguyễn Văn Nguyễn mất trên đường đi công tác làm quân dân Nam bộ thương tiếc. Báo Nhân dân miền Nam số ra ngày 20/4/1953 dành 1 trang bày tỏ lòng thương tiếc một tài năng lớn. Tạp chí Nghiên cứu - cơ quan lý luận của Trung ương Cục miền Nam số 6, tháng 4/1953 nhận định: "Nguyễn Văn Nguyễn đã hiến dâng trọn đời mình cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc... nêu tấm gương rực rỡ của một chiến sĩ cách mạng trung kiên; một đảng viên lao động, chiến đấu không ngừng cho Nhân dân, cho Tổ quốc; một cây viết tiền phong, đanh thép trong giới báo chí cách mạng miền Nam".
Nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ; Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ và Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ; trực tiếp chỉ đạo xây dựng và làm Giám đốc Đài Phát thanh tiếng nói Nam bộ vào năm 1946 tại Quảng Ngãi - sau đổi thành Đài Phát thanh tiếng nói Nam bộ kháng chiến; giảng viên chuyên nghiệp Trường Đảng "Trường Chinh" của Xứ ủy và Trung ương Cục miền Nam. Ông là người sáng lập Hội Văn nghệ Nam bộ, lãnh đạo văn học nghệ thuật Nam bộ, là chủ bút của các báo và tạp chí: Cứu quốc, Nghiên cứu, Nhân dân miền Nam, Lá lúa, Kinh nghiệm tuyên truyền...; là người cộng tác thường xuyên với các báo của Xứ ủy.
Là người làm báo từ rất sớm, Nguyễn Văn Nguyễn còn là nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Với lập luận, kiến giải sâu sắc, ông hướng dẫn lớp cán bộ trẻ trong tiếp thu, thực thi quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về nhiều vấn đề của cuộc sống, của kháng chiến. Đặc biệt, phương pháp tuyên truyền miệng của ông trong kháng chiến, trong Nhân dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nguyễn Văn Nguyễn hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho Tổ quốc.
N. HẢO