Nhà du hành vũ trụ Nga lập kỷ lục 1.000 ngày sống trong không gian

05/06/2024 - 14:44

Nhà du hành vũ trụ người Nga Oleg Kononenko đã ghi dấu ấn trong sứ mệnh lịch sử không gian với 1.000 ngày sống trong quỹ đạo Trái Đất, kỷ lục lâu nhất thế giới.

Chú thích ảnh

Nhà du hành vũ trụ người Nga Oleg Kononenko. Ảnh: TASS

Dẫn nguồn tin từ văn phòng báo chí của Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), hãng thông tấn TASS cho biết ông Oleg Kononenko, chỉ huy nhóm phi hành gia của Roscosmos và là phóng viên đặc biệt của TASS làm việc trên ISS, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới ở lại quỹ đạo Trái Đất tổng cộng 1.000 ngày.

“Hôm nay, lúc 00 giờ 20 phút (theo giờ Moskva), phi hành gia Kononenko của Cơ quan vũ trụ Roscosmos, người đang làm việc tại ISS, đã lập kỷ lục 1.000 ngày lần đầu tiên trên thế giới về tổng thời gian sống trong không gian”, tuyên bố cho biết.

Cột mốc này được lập nên trong chuyến bay thứ 5 của Kononenko vào không gian và trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông với tư cách là Chỉ huy nhóm phi hành gia của Roscosmos.

Với thành tích này, ông Kononenko đã phá vỡ kỷ lục của cựu phi hành gia đồng hương Gennady Padalka. Trước đó, ông Padalka đã có thời gian sống trong không gian 878 ngày, trước khi nghỉ hưu vào năm 2017.

Ngày 15/9/2023, tàu vũ trụ Soyuz MS-24 đã đưa 3 phi hành gia – ông Kononenko cùng với phi hành gia Nikolai Chub và phi hành gia NASA Loral O'Hara – bay vào quỹ đạo. Ông Kononenko dự kiến ​​sẽ trở lại Trái Đất cùng Chub và phi hành gia NASA Tracy Dyson vào tháng 9 tới.

Ông Emmanuel Urquieta, cựu Giám đốc y khoa của Viện nghiên cứu sức khỏe không gian (TRISH) do NASA tài trợ, bình luận: “Phải là một người đặc biệt mới có thể đạt được thành tích này. Đây là quãng thời gian dài, tôi nghĩ đây là dữ liệu quan trọng và hy vọng chúng ta sẽ bắt đầu có thêm nhiều dữ liệu như vậy trong tương lai”.

Ông Urquieta từng tham gia nghiên cứu về một số phi hành gia du hành đến quỹ đạo Trái Đất thấp trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, bao gồm cả sứ mệnh toàn dân sự đầu tiên, mang tên Inspiration 4 hồi năm 2021.

Ông cho biết kỷ lục của phi hành gia Kononenko là cơ hội hiếm có để chúng ta có kiến thức sâu hơn về tác động của cácchuyến bay vũ trụ kéo dài đối với cơ thể con người.

“Tôi chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành trong tương lai khi ông Kononenko trở về Trái Đất. Tôi cũng chắc chắn rằng ông ấy sẽ được theo dõi trong thời gian dài, trong nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm sau đó”, ông Urquieta nói.

Theo trang web của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, ông Kononenko nuôi dưỡng mơ ước bay vào vũ trụ từ khi còn nhỏ. Trước khi được huấn luyện trở thành nhà du hành vũ trụ, ông từng theo học tại một trường kỹ thuật. 

Khi 34 tuổi, ông Kononenko bắt đầu được đào tạo trong nhóm các phi hành gia được lựa chọn tham gia chương trình ISS. Hãng tin Interfax đưa tin ông đã thực hiện chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên vào ngày 8/4/2008, trong một phần của chuyến thám hiểm chính thứ 17 của ISS, trở về Trái Đất vào ngày 24/10/2008.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin TASS từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cách Trái Đất 423km, phi hành gia Kononenko từng chia sẻ: Tôi bay vào vũ trụ để làm công việc mình yêu thích, không phải để lập kỷ lục. Tôi tự hào về thành tích của mình, nhưng còn tự hào hơn khi kỷ lục về thời gian sống trong không gian vẫn thuộc về một nhà du hành người Nga.

ISS là một trong số ít dự án quốc tế mà Mỹ và Nga vẫn hợp tác chặt chẽ. Vào tháng 12 năm ngoái, Cơ quan nhà nước vũ trụ Nga Roscosmos cho biết chương trình hợp tác này sẽ kéo dài đến năm 2025.

Theo Báo Tin Tức