“Bà già Nga”và kỷ niệm về Bác
Ở tuổi 80, nhà khoa học Nga “đình đám” một thời vẫn giữ được vẻ linh hoạt, sắc sảo và hiểu biết đến lạ lùng. Bà kể về chiếc Huy chương Pushkin và giải thưởng quốc gia Nga vừa được Tổng thống Nga Putin đích thân trao tặng nhẹ nhàng như một… kỷ niệm đẹp. “Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam khi làm hồ sơ gửi sang Nga đã bí mật với tôi đến phút cuối nên khi biết được nhận giải thưởng tôi rất bất ngờ. Thực ra giữa năm vừa rồi, tôi đã có dịp sang Nga, tôi đã thăm các thầy cô giáo cũ, thăm trường, thăm bạn bè… Trong thâm tâm, tôi đã xem đó như là chuyến đi sau cùng để chia tay với nước Nga, bởi tôi cũng đã 80 tuổi rồi” – PGS Tuyết Minh chia sẻ.
Lần giở cho tôi xem bức ảnh thời niên thiếu, những kỷ niệm tuổi thơ của bà như ùa về, tôi cảm nhận được trên gương mặt phúc hậu sự xúc động nghẹn ngào. PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cụ thân sinh ra bà là Tướng Nguyễn Chánh – nguyên Chính ủy kiêm Tư lệnh liên khu V trong kháng chiến chống Pháp, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng, mẹ là cụ bà Phạm Thị Trinh – một lão thành cách mạng từng làm Hội trưởng Phụ nữ khu V, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi...
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh được tiếp kiến Tổng thống Nga tại điện Kremlin. ảnh: NVCC
Có cả bố, mẹ đều làm cách mạng nên bà Tuyết Minh cũng có một tuổi thơ… không giống ai. “Lúc tôi 18 tháng tuổi, bố bị bắt đi tù, nhiều năm sau ông về gặp con thì tôi không còn nhận ra bố, không theo ông. Thấy thế, mọi người lại hùa vào trêu, đấy không phải là bố tôi, đấy là ông bán vải. Bố phải nịnh mãi, cho tôi kẹo, cho tôi ngồi lên đùi, cõng trên lưng, lâu dần tôi mới gọi bố” – bà Minh nói.
Năm cô bé Tuyết Minh lên 6 tuổi, mẹ cũng bị giặt Pháp bắt giam tại một nhà tù ở Quảng Ngãi. Năm 1945, bà ngoại dẫn Tuyết Minh vào thăm mẹ trong tù. Thấy con gái gầy gò, rách rưới lại nhất định không chịu rời mẹ, bà Phạm Thị Trinh đã tìm cách đưa con…vào tù để mẹ con được gần nhau.
Đầu năm 1953, theo chủ trương của trung ương gửi con em cán bộ đi học, Tuyết Minh khi đó được sang trường Thiếu nhi Việt Nam ở Quế Lâm (Trung Quốc) rồi lọt vào danh sách đoàn học sinh Việt Nam đầu tiên đi học ở Liên Xô. Tại đây, bà Tuyết Minh có hơn một năm rưỡi học tiếng Nga, rồi được phân công vào Trường ĐH Sư phạm Lê Nin tại Matxcova.
Năm 1957, lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ: “Chuyến đi đó của Bác sang Nga, bố tôi cũng có trong danh sách đi, nhưng tháng 11 đi thì tháng 9 cụ mất. Cũng vì lẽ đó, sang đến Nga là Bác đến thăm chúng tôi. Lúc đầu tôi sợ và giữ khoảng cách, nhưng khi gặp Người, tôi thực sự vỡ òa. Bác mặc chiếc áo lụa màu nâu đã sờn rách phía sau, gương mặt hiền từ và thân thiện. Bác hỏi thăm sức khỏe, học tập rồi vỗ vai bảo: “Đi, đi xuống đây ăn cơm với Bác”. Sau bữa cơm, Bác chỉ hộp kẹo trên bàn và bảo tôi bóc ra. Tôi ngần ngừ vì thấy nó đẹp quá, Bác bảo: “Cứ mở đi, có mở ra thì Bác mới cho cháu kẹo mang về cho các bạn được chứ, nếu cứ để nguyên họ lại mang bỏ vào kho mất”.
Sau năm đó, lần nào sang Nga, Bác Hồ cũng gọi bà Tuyết Minh và bạn bè qua để gặp mặt, trò chuyện. Mãi sau này, khi bà Tuyết Minh xây dựng gia đình, Bác còn cử người mua mấy cân bánh kẹo làm quà mừng đám cưới.“Con người càng vĩ đại bao nhiêu thì càng giản dị bấy nhiêu, những kỷ niệm về Bác cũng chính là những động lực giúp tôi cần mẫn học tập và cống hiến” – bà Minh Tuyết nói.
“Cả đời tôi ngồi ghế… bị cáo”
Lễ trao tặng Huy chương Pushkin năm 2017 đã diễn ra tại Điện Kremlin vào ngày 4.11.2017. PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh là người Việt Nam duy nhất được nhận phần thưởng cao quý này năm 2017. Ứng viên nhận Huy chương Pushkin gồm công dân Nga và nước ngoài có thành tích nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, văn học và giáo dục. Đã có hơn 900 người đến từ 90 quốc gia, trong đó có 12 nguyên thủ được trao tặng Huy chương Pushkin.
Tốt nghiệp bằng giỏi Trường ĐH Sư phạm Lê Nin, năm 1961, bà Tuyết Minh trở về nước và tham gia giảng dạy tại Khoa Ngữ văn (ĐH Sư phạm Hà Nội), sau đó chuyển sang giảng dạy ở Ban tiếng Nga, Khoa ngoại ngữ (ĐH Sư phạm Ngoại ngữ).
Năm 1986, PGS Nguyễn Tuyết Minh được mời tham gia làm bộ Đại từ điển Việt Nga. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Bán hết nhà cửa, của cải, PGS Tuyết Minh cùng chồng và con gái sang Nga để làm từ điển: “Khi ấy, lương nghiên cứu khoa học của tôi chỉ được khoảng 60 đô. May mắn, chồng tôi cũng biết tiếng Nga, ông vào làm điều hành tại nhà hàng của một người em, lương được khoảng 600 đô. Thế là chồng “cày cuốc” nuôi tôi làm nghiên cứu” – bà Minh nói.
Phải mất 16 năm miệt mài cùng các đồng sự tại Nga và gần 10 năm nữa biên tập ở Việt Nam, cuối năm 2012, bà Tuyết Minh cùng tập thể các nhà khoa học Nga – Việt mới cho ra mắt cuốn Đại từ điển Việt-Nga mới. Đây được coi là một công trình khoa học có giá trị rất lớn đối với nhân dân 2 nước Việt - Nga.
Chia sẻ về công việc tâm huyết của cả đời mình, PGS Tuyết Minh cho biết: “Nhiều người cứ nghĩ làm từ điển đơn giản, làm gì mất đến 26 năm? nhưng thực tế nó vô cùng phức tạp. Từng từ, từng chữ đều phải qua rất nhiều lần chỉnh sửa bổ sung của nhiều người trong nhóm nghiên cứu. Tôi thường đùa, anh nào có tội đừng cho đi ở tù, cứ bắt đi làm từ điển là sợ ngay”.
Ở tuổi 80, “bà già Nga” vẫn đau đáu mong muốn có thể chỉnh sửa, biên tập lại công trình khoa học của mình và cộng sự: “Dù có tỉ mỉ đến đâu thì cuốn từ điển vẫn không thể tránh những sai sót. Tôi hay nói với mọi người rằng, làm từ điển tức là cả đời tôi ngồi trên ghế... bị cáo. Bởi, từ điển là để tra, bất kỳ khi nào người ta cũng có thể tìm ra lỗi. Nhưng số tôi nó thế thì phải chịu thế chứ biết làm thế nào được” - bà Minh cười.
Theo TÙNG ANH (Dân Việt)