Tưởng không thân mà thân không tưởng
Hàng xóm - trong tâm thức người Việt không chỉ đơn giản là những người quen ở kế bên nhà mà còn là những người bạn thật sự và có thể tin tưởng lẫn nhau. Thỉnh thoảng chạy qua mượn nhau chút gia vị, hay nhà có món gì ngon cũng để chừa lại một phần biếu hàng xóm ăn lấy thảo.
Luôn ở bên nhau nên mỗi dịp xuân về hàng xóm cũng trở thành một phần làm nên cái Tết sum vầy, cùng với người thân, họ hàng và bạn bè. Hễ ai về đến nhà sau một năm đi xa cũng sẽ nghe gia đình nhắc: “Qua chào hàng xóm đi con!”. Hay như câu chuyện của T, dấu ấn đặc biệt của Tết đến từ những lần đi mua quần áo đẹp đón Tết cùng hội chị em hàng xóm: “Mình có nguyên một hội chị em, bạn, dì, 5 cô nàng rất thân cùng xóm, cứ mấy ngày giáp Tết là tưng bừng hẹn nhau cùng đi sắm sửa đồ Tết cho vui. Mỗi đứa một nơi đi làm xa, nhưng hễ gặp lại là tíu tít liền không hề có khoảng cách. Đến Tết, mấy chị em cùng mặc chung một kiểu, chỉ khác màu, đi chợ hoa ai cũng tưởng “ngũ long công chúa” là chị em ruột, vui lắm”.
Vậy mà giữa bộn bề của cuộc sống, đôi lúc chúng ta đã “lãng quên” những người hàng xóm quen thuộc.
Có hàng xóm, Tết thêm rộn rã
Tết của người Việt gây thương nhớ rất riêng nhờ vào không khí cộng đồng gần gũi và ấm cúng, khi nhà nào nhà nấy bỗng đều mang một tâm trạng hân hoan chung và cùng nhau làm nhiều công việc thú vị.
Xóm giềng ríu rít hỏi thăm nhau: “Anh chị sửa soạn đến đâu rồi?”, có khi lại tranh thủ “thở than” cùng hàng xóm về hàng nghìn công việc Tết không tên để “giải toả”. Nhiều người vẫn nói Tết vui nhất là những ngày cận Tết, điều này lại càng đúng hơn khi có hàng xóm kế bên để cùng hít thở và cảm nhận bầu không khí náo nức đặc trưng của những ngày cuối năm.
Tết với hàng xóm đôi lúc cũng trở thành một cái Tết rất đặc biệt, như chia sẻ của M. về một lần lỡ hẹn về quê: “Ban đầu buồn muốn chết, lủi thủi một mình trong phòng, nghĩ đến mẹ và xóm giềng ở quê đang làm mứt Tết đông vui mà muốn khóc. Tự nhiên chị hàng xóm kế bên gõ cửa hỏi thăm cách làm mứt vì năm trước nữa mình cũng gửi mứt nhà làm cho chị, thế là hai chị em cùng đi chợ mua đồ về nhà làm mứt dừa. Tâm sự với chị một hồi, lại thêm chơi với mấy đứa nhóc con chị nên mình bỗng đỡ buồn hẳn, rồi kể từ bữa đó mà hai chị em thân thiết hơn đến tận bây giờ.”
Tết xưa và Tết nay có thể khác nhau, nhưng ý nghĩa của Tết vẫn không đổi: Tết không phải là dịp để một mình mà là dịp để mở lòng, lan toả niềm vui với bao người quanh ta, trong đó có hàng xóm láng giềng.
Một cái Tết nữa sắp đến, một dịp đặc biệt và cũng là “cái cớ” phù hợp nhất để sẻ chia, kết nối và sum vầy. Cả năm qua chưa có dịp chào hỏi hàng xóm thì hôm nay ra làm quen ngay chứ nhỉ. Nhân tiện hẹn một bữa tất niên nơi phố thị xô bồ trước khi về quê ăn Tết nữa chứ. Hoặc lỡ mà có “bồ kết” cô bạn nhà bên hay anh chàng sát vách thì sáng mai, hãy thử gõ cửa nhà hàng xóm với một nụ cười và món quà nhỏ, có khi bạn sẽ phải bất ngờ trước niềm vui nhân đôi của mùa Tết sắp về ấy chứ. Hàng xóm vẫn luôn ở đấy và nhiều khi một cử chỉ quan tâm đơn giản, một lời hỏi han “đúng thời điểm” lại là khởi đầu của một tình bạn đẹp, miễn là người ta chân thành với nhau./.
Theo AN AN (VOV)