Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua phiếu bầu

23/02/2021 - 06:19

 - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình theo Hiến định. Ngày 23-5 (chủ nhật) sẽ diễn ra cuộc bầu cử, là ngày hội của toàn dân, ngày người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp khi tự tay lựa chọn những người thay mặt mình trong hệ thống cơ quan dân cử.

Ý nghĩa chính trị to lớn

Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND. Vì vậy, việc lựa chọn những người đảm bảo tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn.

Trong hệ thống bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Bởi thế, việc lựa chọn những người đủ đức, đủ tài để trở thành những ĐBQH và đại biểu HĐND có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của địa phương và đất nước.

Đối với cử tri, việc tham gia bầu cử là quyền lợi, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: mỗi cử tri có quyền bỏ 1 phiếu bầu ĐBQH và bỏ 1 phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay (trừ trường hợp khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu).

Luật cũng quy định: trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật, không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu và thực hiện bầu cử. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri…

Chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt

Thời gian qua, An Giang đã chủ động quán triệt, chỉ đạo, kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các công việc nhằm chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt cho công tác bầu cử sắp đến. Đến thời điểm hiện nay, trên cơ sở quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn và khung thời gian triển khai các nội dung công việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026; hướng dẫn một số nội dung về công tác nhân sự. UBND tỉnh thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh; ban hành Chỉ thị số 80/CT-UBND về tổ chức cuộc bầu cử.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTGTU tuyên truyền cuộc bầu cử, qua đó tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Ngoài ra, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh.

Thời gian bầu cử đã cận kề, các nội dung công việc phải thực hiện còn nhiều. Do vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác bầu cử nhằm đảm bảo thời gian, nghiêm túc, chất lượng và đảm bảo đúng luật định. Thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong năm 2021. Với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng với công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo, nghiêm túc, tin tưởng cuộc bầu cử sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào Biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách trúng cử ĐBQH chậm nhất ngày 12-6 (20 ngày sau ngày bầu cử). Ủy ban bầu cử ở tỉnh công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp xã chậm nhất ngày 2-6 (10 ngày sau ngày bầu cử).

GIA MINH