Nhân lên những giá trị tốt đẹp

23/05/2024 - 06:45

 - Năm nay là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ mới, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang tổ chức Hội thi kể chuyện người tốt việc tốt, nhằm cụ thể hóa Hướng dẫn 83-HD/BTGTU, ngày 10/1/2024, của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và thực hiện Chuyên đề năm 2024 “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân”. Hội thi ý nghĩa và thành công, đúng với mục đích đề ra khi giới thiệu về những tấm gương rất sinh động, đời thực trong cuộc sống, góp phần nhân lên những điều tốt đẹp, lan tỏa trong xã hội.

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt (đoàn viên công đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Long, huyện Phú Tân) là tấm gương hết lòng vì người nghèo, tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào do công đoàn phát động. Làm công tác bằng trọn cái tâm, ông được người dân địa phương gọi tên gần gũi là ông Tám Kiệt.

Đặc biệt, từ khi Đảng, tổ chức công đoàn phát động việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuyên đề “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân”, ông càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác từ thiện - xã hội.

Ông là cầu nối trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại địa phương, vận động các tổ chức, cá nhân góp kinh phí, ngày công để sửa chữa, xây dựng, hoàn thiện nhiều tuyến đường, cây cầu bê-tông. Nhiều năm qua, ông được địa phương khen tặng và biểu dương vì những đóng góp tích cực trong nhiều phong trào…

Trao giải cho các thí sinh đạt thành tích xuất sắc tại hội thi

Những việc rất đỗi bình thường của ông Tám Kiệt, nhưng trong mắt của bà con xung quanh đều là hành động đáng trân quý. Ông lấy niềm vui, sự ấm no của mọi người, đổi mới của quê hương làm niềm hạnh phúc cho bản thân.

Ông Tám Kiệt là nhân vật trong chuyện kể của thí sinh Lâm Thị Đẹp (công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Phú Long) tại Hội thi kể chuyện “Gương người tốt, việc tốt học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn” trong hoạt động công đoàn”. Chị Đẹp xuất sắc đoạt giải nhất trong số 20 thí sinh vào vòng chung kết.

“Tôi đã học được nhiều kinh nghiệm quý giá và nhận về những bài học qua các tấm gương được giới thiệu tại hội thi. Không chỉ riêng tôi, nhiều người cũng nhận ra việc học và làm theo gương Bác Hồ, Bác Tôn không phải là những việc quá, to lớn, phức tạp… mà xuất phát từ những việc rất đỗi bình dị, đời thường, ai cũng có thể làm được”- chị Lâm Thị Đẹp chia sẻ.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Nhật Tiến cho biết, hội thi nhằm kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong chăm lo đời sống Nhân dân và hoạt động công đoàn. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức, phong cách, tác phong lao động của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là câu chuyện của đoàn viên Phạm Thị Thúy Thái, Trường Mẫu giáo Long Điền A (huyện Chợ Mới) kể về “Chàng trai thổi hồn vào tre”.

Đoàn viên Nguyễn Thị Chúc Quỳnh kể về cán bộ công đoàn Võ Thanh Nhã (Công ty TNHH An Giang Samho) hết lòng vì đoàn viên, người lao động. Đoàn viên Lâm Thị Bích Tuyền (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) kể về “Người phụ nữ Khmer ươm mầm ước mơ”. Đoàn viên Lương Văn Pháp (công đoàn ngành y tế) mang đến hội thi về 1 nữ cán bộ công đoàn tích cực chăm lo đời sống đoàn viên…

Với vai trò là ban giám khảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Thịnh đánh giá, các thí sinh với tinh thần trách nhiệm cao đã đem đến cho hội thi không khí hào hứng, vui tươi, phấn khởi, lập thành tích thiết thực để chào mừng 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những mẫu chuyện có sức lay động, sự cuốn hút và lan tỏa.

Có những thí sinh đem đến câu chuyện bằng những hình ảnh, cảm xúc chân thật, đi vào trái tim, đúng với chủ đề chia sẻ về gương người tốt, việc tốt để tạo sức lan tỏa. Một số thí sinh trong quá trình kể có lồng ghép video, nhạc, thơ, hình ảnh minh họa rất sôi động kết hợp với lời kể, phong thái tự tin, uyển chuyển, mang đến thông điệp trọn vẹn qua câu chuyện của mình.

Qua hơn 1 tháng triển khai, có 51 thí sinh của 15 đơn vị thuộc các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố; công đoàn ngành; công đoàn viên chức tỉnh; công đoàn các khu công nghiệp tỉnh và 2 khối thi đua công đoàn cơ sở doanh nghiệp trực thuộc LĐLĐ tỉnh An Giang đăng ký tham gia. 20 thí sinh có đề cương hay nhất đã đại diện cho 15 đơn vị dự thi tham gia tiếp vòng chung kết, thể hiện tài năng kể chuyện và tìm hiểu kiến thức.

“Mỗi thí sinh đều thể hiện được vai trò là một tuyên truyền viên công đoàn xuất sắc trong tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và chuyên đề của tỉnh năm 2024. Đây còn là điều kiện, cơ hội tốt để các thí sinh tăng cường rèn luyện kỹ năng tuyên truyền miệng trong hoạt động công đoàn. Sau hội thi, chúng tôi tổng hợp báo cáo lãnh đạo tỉnh những gương điển hình, những mô hình tiêu biểu để tuyên truyền, triển khai, nhân rộng” - ông Nguyễn Nhật Tiến thông tin.

MỸ HẠNH