Nhận thức và ứng xử về dịch bệnh COVID-19

04/01/2022 - 06:16

 - Có thể nói, dịch bệnh COVID-19 không chừa một ai, ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp lên sức khỏe, công việc và mọi thói quen sinh hoạt. Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về dịch bệnh nói chung, công tác phòng dịch và ứng xử với những người liên quan đến dịch bệnh COVID-19 nói riêng vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn.

Đừng để sợi dây giăng, bảng treo thông báo trước nhà thành nỗi ám ảnh, tâm lý nặng nề trong cộng đồng

Chủ quan trước dịch bệnh

Ròng rã mấy tháng, dù đã hạn chế tối đa, anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn phải ra ngoài xử lý công việc. Anh Bình cho biết, hễ thấy “khác lạ” trong người là anh tự test nhanh, rồi mới an tâm đi làm tiếp. “Ngày trước, mỗi lần test là tôi hồi hộp, lo lắng, giờ rất bình thường. Đi làm trở lại, lúc nào tôi cũng “thủ” sẵn mấy que test, thực hiện nghiêm thông điệp “5K”. Cuối tuần, cả gia đình tự test nhanh mẫu gộp. Nhiều người cười, cho rằng tôi thái quá. Còn số người khác khoe “giờ đã “ngon lành” vì tiêm đủ liều vaccine” nên mặc sức tụ tập. Tôi không biết sự “ngon lành” ấy là thế nào, chứ ngay nơi tôi ở, người tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn nhiễm COVID-19 như thường” - anh Bình chia sẻ.

Những trường hợp như anh Bình kể, chúng tôi bắt gặp không ít. Và suy nghĩ về yêu cầu phòng dịch trong người dân cũng có muôn kiểu. Anh Đ. (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) dành khoảng sân rộng trước nhà, mở tiệm sửa xe. Khi các dịch vụ được phép hoạt động trở lại, tiệm sửa xe là một trong những nơi khá đắt khách. Hầu như ai cũng nói về chủ đề dịch bệnh COVID-19, anh Đ. góp lời: “Tính tôi kỹ lắm, ra đường phải đeo đến 2 khẩu trang mới yên tâm”. Nói thì vậy, mỗi lượt chạy ra ngoài mua phụ tùng, anh nhét khẩu trang vào túi, phóng lên chiếc võng ngay cạnh thợ và khách, đu đưa thoải mái. Có lẽ trong suy nghĩ của anh, “ở nhà” là an toàn chăng?.

Còn thực trạng chúng tôi ghi nhận ở nhiều gia đình là trong tập thể ý thức rất tốt, luôn có cá nhân tỏ vẻ bàng quan. Trường hợp chị S.K. là ví dụ. Chị K. làm công tác truyền thông về y tế, tập trung phản ánh thời sự, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Thế nhưng, nhắc đến người nhà, chị lại thở dài: “Cha tôi lớn tuổi, mỗi khi khuyên nhủ, nhắc nhở thì ông gạt tay “không sao đâu mà”. Trong nhà có người nhiễm COVID-19, để an toàn và duy trì công việc, tôi phải tạm dọn ra ở riêng, còn ông vẫn điệp khúc “có sao đâu”. Dù biết rõ dịch bệnh không ngoại trừ một ai, nhưng mỗi khi đồng nghiệp, người quen trêu đùa, tôi không biết làm sao để thay đổi suy nghĩ của người thân”.

Kỳ thị

Trái ngược với người có tư tưởng chủ quan với dịch COVID-19, một bộ phận có cách ứng xử khiến người trong cuộc chạnh lòng. Như tình cảnh của anh N.V.A., khi nơi làm việc và nơi anh sống được gọi là “ổ dịch”. “Trên mạng xã hội, nếu vu khống một ai đó thì may ra còn bị xử lý. Ở ngoài đời, người ta úp úp mở mở, nhưng thật ra ám chỉ mình, gia đình mình… Những lời ác ý “hồn nhiên” cũng đáng sợ không thua kém dịch bệnh” - anh A. trải lòng. Anh cho biết, đơn vị liên tiếp có người nhiễm COVID-19 (dù đã cách ly tại nhà), nhân viên khác đi làm bình thường. Tuy nhiên, anh muốn hẹn khách hàng không phải là chuyện dễ, vì khách né tránh người “làm việc chung với F0”.

Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, bạn T.M (nhân viên siêu thị) đã 5-6 lần phải mang tên “F1” vì tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19. Nhân viên này cho biết, khi siêu thị có một số ca mắc COVID-19, nhiều người đã kêu gọi “tẩy chay”. Một số người nhân lúc mua hàng còn chụp ảnh lại, hay tin có ca bệnh là chia sẻ lên mạng xã hội cảnh báo: “Đây, siêu thị “chuyên gia” có F0”. Một tình huống mà M. gặp phải là nữ khách hàng sau khi chọn đủ đồ, đứng từ xa đẩy giỏ tới, không quên dặn: “Tiền chị để trong giỏ, em thanh toán xong đẩy trả lại giỏ y như chị”. Nói xong người phụ nữ vội ra ngoài sân đứng đợi, đưa tay vịn khẩu trang thay vì chờ tại chỗ lấy hàng.

Từng trở thành “F1”, “F2”, chị T.N. bày tỏ: “Nói về dịch bệnh COVID-19, tôi nghiệm ra, nhiều người không hẳn sợ bị nhiễm bệnh, bởi đã có thuốc, bác sĩ. Mà cái họ sợ là sự kỳ thị, nỗi sợ mơ hồ khi mình có thể lây cho người khác hoặc bị “cách ly” trong cách nhìn, cách ứng xử từ người xung quanh. Khi địa điểm tạm thời bị phong tỏa, hình ảnh giăng dây, treo bảng cảnh báo là một cái gì đó rất khủng khiếp, phiền hà, chia cắt họ với cả thế giới. Và sau khi trở lại bình thường, không ít người tỏ ra dè dặt trong giao tiếp, hoặc bị người khác e ngại về sự an toàn của chính họ”.

Đến thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 trên cả nước và trong tỉnh được ngành chuyên môn nhận định vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ý thức phòng, chống dịch trong cộng đồng chính là việc làm cần thiết và cấp bách. Có lẽ cộng đồng cần trang bị thêm nhận thức về dịch bệnh để chung sống với COVID-19 lâu dài, cân bằng hài hòa trong cách ứng xử đối với những người có liên quan dịch bệnh.

MỸ HẠNH