Bể chứa dầu tại nhà máy khai thác dầu ở Ichihara, tỉnh Chiba, miền đông Nhật Bản, ngày 12/11/2021. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Kishida tiết lộ Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda sẽ thông báo khối lượng dầu cụ thể được xuất kho, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục vận động các nước sản xuất dầu đối phó với tình trạng biến động giá nghiêm trọng hiện nay.
Nhật Bản phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước sản xuất dầu ở Trung Đông, với việc nhập khẩu 90% nhu cầu trong nước, do đó nước này bắt đầu duy trì việc dự trữ dầu thô từ những năm 1970. Nhật Bản chưa từng xuất kho dầu dự trữ vì lý do giá dầu tăng. Các quyết định sử dụng dầu dự trữ trước đây được đưa ra đều nhằm giải quyết những lo ngại về nguồn cung sau các thảm họa thiên nhiên và biến động chính trị ở bên ngoài. Tính đến cuối tháng 9-2021, Nhật Bản có lượng dầu dự trữ đủ cho 145 ngày sử dụng.
Trước đó 1 ngày, Mỹ và Ấn Độ cũng đã thông báo mở kho dầu dự trữ chiến lược. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược. Dự kiến, việc xuất kho dầu sẽ được thực hiện từ giữa hoặc cuối tháng 12 tới. Đây là lần đầu tiên, Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Tương tự, Chính phủ Ấn Độ cùng ngày thông báo sẽ xuất khoảng 5 triệu thùng dầu thô từ kho của mình. Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới.
Tổng thống Biden trước đó đã đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản mở kho dự trữ dầu sau khi Chính phủ Mỹ không thể thuyết phục Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) tăng sản lượng khai thác để "hạ nhiệt" giá năng lượng. OPEC+ cho rằng thế giới không thiếu dầu thô và tổ chức này vẫn giữ nguyên chủ trương mỗi tháng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung vào năm 2022.
Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN)