Một điều đáng tiếc cho những người quan sát ở Việt Nam là chúng ta sẽ không thể quan sát nhật thực hình khuyên này. Nhưng tại một số khu vực như: vùng viễn đông nước Nga, Bắc Băng Dương, tây Greenland, và Canada, những người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đó.
Mặt trăng di chuyển trước mặt trời trong hiện tượng nhật thực "vòng lửa" hiếm thấy khi nhìn từ Tanjung Piai, Malaysia vào ngày 26-12-2019. Ảnh: Getty Images.
Nhật thực toàn phần xảy ra khi mặt trăng nằm giữa Trái đất và mặt trời, chắn hoàn toàn ánh sáng của mặt trời. Còn với nhật thực hình khuyên, mặt trăng không che hoàn toàn mặt trời khi nó đi qua, để lại một vòng ánh sáng mặt trời có thể nhìn thấy được.
Nhật thực hình khuyên tạo ra hiệu ứng "vòng lửa", Ảnh: Getty Images.
Theo NASA, nhật thực hình khuyên chỉ có thể xảy ra trong những điều kiện cụ thể. Mặt trăng phải ở trong chu kỳ trăng đầu tiên của nó, còn gọi là trăng non, và nó cũng phải ở xa Trái đất hơn trong quỹ đạo hình elip, xuất hiện trên bầu trời nhỏ hơn bình thường.
Bởi vì mặt trăng xuất hiện nhỏ hơn, nên trong trường hợp này, nó không thể chặn hoàn toàn mặt trời, tạo thành một "vòng lửa", hoặc hình khuyên trông như một chiếc nhẫn.
NASA cho biết: “Khi mặt trăng và mặt trời mọc cao hơn trên bầu trời, hình bóng của mặt trăng sẽ dần dần lệch khỏi mặt trời về phía dưới bên trái, cho phép mặt trời xuất hiện nhiều hơn cho đến khi nhật thực kết thúc”.
Khác với nhật thực toàn phần, mặt trăng trong nhật thực hình khuyên quá nhỏ để có thể che phủ hoàn toàn mặt trời, để lại một "vòng lửa" xung quanh mặt trăng. Ảnh: NASA.
Nhật thực lần này kéo dài trong khoảng 100 phút, bắt đầu lúc mặt trời mọc ở Ontario, Canada. Sau đó, đường đi của nhật thực vòng qua các vùng phía bắc của địa cầu. Giữa đường đi, nhật thực lớn nhất xảy ra vào buổi trưa ở miền bắc Greenland. Sau đó, nhật thực hình khuyên xoay quanh Cực Bắc của Trái đất và kết thúc vào lúc hoàng hôn trên đông bắc Siberia.
Giai đoạn đỉnh điểm, "vòng lửa" của nhật thực kéo dài tối đa 3 phút 51 giây.
Ở Bắc Mỹ, mọi người sẽ nhìn thấy nhật thực vào lúc mặt trời mọc vào ngày 10-6. Từ khu vực Washington, DC, mặt trăng sẽ chắn khoảng 80% phía bên trái của mặt trời khi chúng mọc cùng nhau theo hướng đông-đông bắc lúc 5 giờ 42 phút sáng. Mặt trời sẽ xuất hiện như một hình lưỡi liềm trong thời gian này, NASA cho biết.
Người châu Âu có thể xem nhật thực một phần vào giữa ngày 10-6. Ở châu Á, nhật thực một phần sẽ xảy ra vào cuối buổi chiều 10-6. Và, từ Bắc Kinh, Trung Quốc, mặt trăng sẽ lần đầu tiên che khuất mặt trời khoảng 12 phút trước khi mặt trời lặn.
Theo HẢI PHONG (Báo Nhân Dân)