Nhiệm vụ của cơ sở quản lý F0 tại nhà để hỗ trợ người nhiễm COVID-19

29/03/2022 - 10:10

Hỏi: Cơ sở quản lý F0 tại nhà có nhiệm vụ gì để hỗ trợ người nhiễm COVID-19?

T.T. Loan (TP. Châu Đốc)

 Sở Y tế An Giang trả lời:

1. Xác định và lập danh sách người F0 quản lý tại nhà trên địa bàn

- Xác định và đánh giá tình trạng người mắc COVID-19 để đảm bảo đủ điều kiện cách ly tại nhà.

- Ghi nhận địa chỉ và tạo kết nối, liên lạc với người F0 cách ly tại nhà (qua điện thoại, mạng xã hội, gọi điện thoại có hình ảnh…).

- Nhập hồ sơ quản lý người F0 trên phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà theo địa chỉ: https://ttangiang.dieutrif0.vn. Danh sách người F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố sẽ tự động cập nhật đúng với Quyết định  261/QĐ-BYT.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ra quyết định cách ly điều trị người mắc COVID-19 tại nhà (in từ phần mềm).

2. Hướng dẫn người mắc COVID-19 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà

2.1. Theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19

a) Trạm y tế, tổ chăm sóc COVID-19 cộng đồng khóm, ấp: hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát người mắc COVID-19 thực hiện tự theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều trên phần mềm quản lý F0
tại nhà phần “Bệnh nhân”, tại địa chỉ: https://angiang.dieutrif0.vn. Người F0 là trẻ em hoặc không khả năng khai báo sức khỏe sẽ do người chăm sóc khai báo. Người F0 không có điện thoại thông minh, máy tính bàn để sử dụng phần mềm
thì việc khai báo sức khỏe sẽ do tổ chăm sóc COVID-19 cộng đồng hỗ trợ.

b) Nội dung theo dõi sức khỏe hàng ngày

- Chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

- Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy; ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; các triệu chứng khác như: đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau nhức cơ…

c) Trường hợp F0 không khỏe, nghi ngờ dấu chuyển nặng hoặc có tình  huống khẩn cấp có thể liên hệ trực tiếp với nhân viên y tế địa phương qua các số
điện thoại trên phần mềm hoặc nhờ sự hỗ trợ của Tổng Đài 1022… để được hỗ trợ, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:

* Trẻ dưới 5 tuổi: Tinh thần: Trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật. Sốt cao liên tục >39◦C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h. Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút. Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn… Dấu hiệu mất nước: Môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít… Tím tái. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2). Nôn mọi thứ. Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được. Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng… Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.

* Trẻ từ 5 đến 18 tuổi: Cảm giác khó thở; ho thành cơn không dứt; không ăn/uống được; sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ; nôn mọi thứ; đau tức ngực; tiêu chảy. Trẻ mệt, không chịu chơi. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2). Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút. Thở bất thường: Co kéo hõm ức, liên sườn… Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
* Người lớn (trên 18 tuổi): Khó thở, thở hụt hơi. Nhịp thở ≥ 20 lần/phút. SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo). Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút. Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo). Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác thắt ngực, đau tăng khi hít sâu. Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, co giật. Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân. Không thể ăn uống do nôn nhiều. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.

2.2. Tổ chăm sóc COVID-19 cộng đồng khóm, ấp hướng dẫn người F0 xác nhận đã thực hiện toa thuốc (gói A, B, C hay các thuốc khác) do bác sĩ điều
trị kê toa trên phần mềm.

2.3. Hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt: Người mắc COVID-19 nên  nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày. Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

2.4. Hướng dẫn các biện pháp phòng lây nhiễm: Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi phòng cách ly. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong gia đình (nhưng không được ra khỏi nhà). Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người mắc COVID-19. Giữ nơi cách ly thông thoáng, hạn chế các đồ dùng, vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa…) tại khi vực này. Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, bồn rửa mặt... Phân loại, thu gom chất thải lây nhiêm đúng quy định.

H.C