Nhiệm vụ mới của người lính Đội K

22/10/2021 - 06:57

 - Những người lính Đội K90 (Cục Chính trị, Quân khu 9) đứng nghiêm trang, chào “hành khách” trên xe, trong khi thượng tá Phan Văn Hiệp (Đội trưởng Đội K90) cất tiếng: “Thưa bà con, đã về đến quê hương An Giang, chúng tôi xin mời bà con xuống xe”.

Dĩ nhiên, chẳng có bất kỳ tiếng nói nào đáp lại, cũng chẳng có bất kỳ ai “xuống xe”. Không gian vắng lặng, chỉ có tiếng vang của nỗi buồn man mác. Các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) bung dù đen, cẩn thận che từng “vị khách” tiến vào nhà quàn khu nghĩa trang từ trần tỉnh An Giang (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành).

Những người lính Đội K90, K91, K92, K93 (thuộc Quân khu 9) có trách nhiệm tìm kiếm, cất bốc, quy tập, cải táng hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất Campuchia. Hai năm nay, dịch bệnh bùng phát khiến công việc chuyên môn của các anh phải tạm hoãn, chỉ thực hiện phần nào trong nội địa, theo từng thời điểm và địa bàn phù hợp.

Cán bộ, chiến sĩ Đội K90 bàn giao tro cốt

Từ đầu tháng 10, các anh được Bộ Quốc phòng, Quân khu 9 phân công nhiệm vụ mới. Đó là thành lập đội công tác đặc biệt, tiếp nhận tro cốt của người dân chẳng may qua đời do dịch COVID-19 trên địa bàn Quân khu 7 quản lý về giao lại cho người thân của họ ở các tỉnh ĐBSCL. Nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ so với nhiệm vụ thường xuyên của đội. Nhưng, cả 2 nhiệm vụ ấy lại có chút tương đồng. Các anh là người đồng hành nghĩa tình cùng người đã khuất, chở họ về nơi yên nghỉ bằng chuyến xe cuối của cuộc đời họ, bằng tất cả sự thiêng liêng, trang trọng và sẻ chia.

“Chúng tôi rất vinh dự khi được giao trọng trách đặc biệt này. Mỗi lần đến nơi tiếp nhận tro cốt của người đã khuất, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là xúc động vô cùng. Cục Chính trị Quân khu 9 đề tặng trên mỗi thùng xốp chứa tro cốt: “Ra đi gửi yêu thương/ Trở về trong tưởng nhớ”. Mỗi CBCS đều cố gắng phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, rà soát từng bước một cách chu đáo, kỹ lưỡng. Để đảm bảo vận chuyển hộp tro cốt an toàn trong suốt chặng đường mấy trăm cây số, chúng tôi cất giữ chắc chắn trong thùng xốp, hạn chế tối đa va đập. Chúng tôi dặn dò nhau, còn 1 hộp tro cốt cũng cố gắng đưa về tận quê hương, không để sót bất kỳ trường hợp tro cốt nào của người dân ĐBSCL nằm lại nơi đất khách” - thượng tá Phan Văn Hiệp bày tỏ.

Vận chuyển tro cốt về gia đình người đã khuất

Đội K90 chia thành 2 tổ, phụ trách tuyến sông Tiền và sông Hậu. Suốt quá trình làm nhiệm vụ, thời điểm áp lực và căng thẳng nhất là tìm tro cốt đúng theo thông tin trên danh sách, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, không để bất cứ sai sót gì xảy ra. Đợt đầu tiên, các anh gặp rất nhiều khó khăn, do chưa thống nhất về địa chỉ người mất, người nhận; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng. Đã có kinh nghiệm nên chuyến công tác sau được phối hợp chính xác và nhanh chóng hơn; địa chỉ của người tiếp nhận đầy đủ, rõ ràng.

Sau khi tiếp nhận đủ tro cốt, các anh khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương. Mỗi chuyến đi mất khoảng 1 tuần lễ, kể cả tiếp nhận lẫn bàn giao. Về đến đơn vị, các anh được test PCR, cách ly 1 tuần theo quy định. Vừa hoàn thành cách ly, các anh lại lên đường, bắt đầu hành trình mới. Từ ngày 1-10 đến nay, mỗi CBCS đã hoàn thành 2 chuyến như thế, rong ruổi trọn vẹn 12 tỉnh.

“Mệt mỏi nhất là thời khắc giữa trưa. Chúng tôi di chuyển liên tục, không dám dừng nghỉ dọc đường, ráng động viên nhau đến nơi thật sớm, vì đang mang trên vai trách nhiệm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” với đất nước, nhân dân, trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19. Suốt hành trình, chúng tôi rất đau lòng, xót xa khi tận mắt chứng kiến các mảnh đời lưu lạc, xa quê vì mưu sinh, không may tử vong vì dịch bệnh. Qua đó, càng thấy quý trọng cuộc sống bình yên. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bản thân tôi xem những người đã khuất này như người thân của mình, cố gắng tiếp nhận họ chu đáo, đầy đủ, tận tình nhất để bàn giao về quê nhà, gia đình họ. Tôi muốn nhắn gửi đến gia đình các nạn nhân đã tử vong vì COVID-19, mong tất cả cố gắng vượt qua nỗi đau, mất mát, cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh” - trung tá Lê Tuấn Em (Đội K90) chia sẻ.

Rồi CBCS Đội K90 chia tay chúng tôi để tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Họ trao các “hành khách” lại cho chuyến xe kế tiếp của Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang). Từ nhà quàn, Đội K93 huy động CBCS, phương tiện chia thành 2 đoàn công tác, vận chuyển tro cốt người tử vong vì dịch COVID-19 về bàn giao cho Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện. Các hành trình dần dần được rút ngắn lại về quãng đường và thời gian. Thời khắc người nhà tiếp nhận tro cốt, luôn vỡ òa niềm xót thương xen lẫn mừng tủi…

Đại tá Nguyễn Quốc Thông (Đội trưởng Đội K93) trải lòng: “Chúng tôi quán triệt CBCS phải thể hiện rõ trách nhiệm được giao, chu đáo, nghĩa tình. Tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ một cách sớm nhất, chỉ vài giờ sau khi tiếp nhận tro cốt từ Đội K90. Từ đó, giúp gia đình sớm thực hiện nghi lễ tâm linh cho người đã khuất. Hy vọng, người dân An Giang cố gắng vượt qua khó khăn, tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống dịch để giảm thiểu mất mát, đau thương, thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần cùng địa phương sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới”.

Những chuyến xe ấy rồi sẽ ít dần, thưa dần và không còn nữa. Các tổ công tác đặc biệt của Đội K90, K93 hoàn thành trọng trách trong giai đoạn khó khăn của cả nước. Sẽ chẳng còn “vị khách” nào phải trở về quê như thế nữa. Đó là ước vọng lớn lao, điều mong mỏi của tất cả chúng ta khi cuộc sống trở lại bình thường mới.

 

Bài, ảnh: GIA KHÁNH