Để người dân, nhất là đối tượng học sinh phổ thông hiểu hơn về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), mới đây Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp”.
TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Theo quy hoạch và chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì GDNN sẽ có quy mô chiếm 80-90% nhân lực qua đào tạo, đóng vai trò là một trong các nhân tố quyết định để thực hiện thành công đột phá chiến lược về nhân lực.
Giảng viên trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội trình diễn một trong những cánh tay robot tự động.
Qua phản ánh từ cơ quan chức năng, trong xã hội vẫn còn tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, nhiều chính sách về giáo dục nghề nghiệp chưa đến được với người dân. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh khó khăn, người học vẫn còn lúng túng trong việc chọn nghề, chọn trường. Doanh nghiệp chưa nắm được chính sách và tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, nhiều nơi việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
“Nguyên nhân khách quan là tâm lý và nhận thức xã hội, nhiều phụ huynh vẫn chọn đại học là ưu tiên số một cho con em theo học. Nguyên nhân chủ quan là do công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp thời gian vừa qua tuy đã có nhiều cố gắng, cải thiện nhưng xét tổng thể vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu", TS Trương Anh Dũng cho biết.
Theo bà Joanna Wood – tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Australia tại Việt Nam, kinh nghiệm triển khai chiến lược truyền thông tại Australia là thu hút doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Việc thay đổi nhận thức về giáo dục nghề nghiệp mất rất nhiều thời gian. Chính phủ Australia đã cam kết có những chiến dịch truyền thông sâu, rộng và dài hơi cho lĩnh vực này. Chính phủ có một tổ công tác chuyên về truyền thông lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề. Để quảng bá cho lợi ích của nghề, kỹ năng nghề và nâng cao vị thế của đào tạo nghề đối với học sinh, phụ huynh và doanh nghiệp cần phải có thông điệp truyền thông riêng cho từng đối tượng cụ thể. Một trong những chương trình truyền thông là chương trình giải thưởng đào tạo Australia. Hàng năm Chính phủ tổ chức các kỳ thi cấp trường, cấp bang và cấp liên bang để trao giải thưởng danh giá này. Những tư liệu về cuộc thi như video, hình ảnh sẽ được đăng tải trên các trang mạng xã hội để tuyên truyền quảng bá.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang Đặng Thanh Thủy cho rằng, công tác truyền thông hiện nay còn thiếu hình ảnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa chủ động đưa ra được các tiêu chí, cái họ cần thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo khó đáp ứng hoặc vẫn chỉ đào tạo theo các giáo trình đã có sẵn.
Trong khi đó, đại diện các cơ quan báo chí cho rằng, việc tuyên truyền giáo dục nghề nghiệp cần gắn với cơ hội việc làm. Đặc biệt là các trường cao đẳng, trung cấp cần có những điểm nhấn trong tuyên truyền với những hình ảnh về thế mạnh đặc trưng để thu hút học sinh, sinh viên.
Theo Báo Tin Tức