Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

02/06/2020 - 17:27

 - Thời gian qua, việc quản lý và kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLÐ dần được nâng cao; nhiều giải pháp mang tính phòng ngừa được chủ động thực hiện, trên cơ sở đánh giá rủi ro, nhận diện các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Sơn, qua kiểm tra cho thấy, tình hình chấp hành pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp (DN) đã có nhiều chuyển biến tích cực, quan tâm và tổ chức thực hiện nhiều nội dung như: xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm; mua sắm trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; đầu tư trang bị mới máy, thiết bị tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; quan trắc môi trường lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ...

Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động vẫn diễn biến khá phức tạp. Theo thống kê báo cáo của các DN và công tác điều tra tai nạn lao động, năm 2019 đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động làm chết 8 người, tăng 5 vụ so cùng kỳ năm 2018. Điển hình như vụ làm 3 công nhân tử vong tại TP. Châu Đốc hôm 21-1-2019.

Bởi theo đánh giá, ngoài những mặt làm tốt, còn một số đơn vị, DN, cơ sở chưa thực hiện đầy đủ việc xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, chưa thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ; không khai báo việc kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thực hiện thường xuyên, thiếu cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm nhiều việc; chưa bao che, rào chắn những khu vực nguy hiểm, hố sâu; sử dụng điện câu móc tạm chưa đảm bảo an toàn; khi hàn điện trong hầm, bồn kín chưa có người giám sát, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn dễ dẫn đến tai nạn lao động.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, thiếu sót là do một số DN chưa nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác ATVSLĐ, còn né tránh, ngại tốn chi phí... Do khó khăn về sản xuất - kinh doanh, một số DN đã thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động; một số chế độ, chính sách của NLĐ chưa thực hiện tốt.

Bên cạnh đó, một số DN chưa quan tâm, né tránh công tác ATVSLĐ, chi phí đầu tư cho công tác bảo hộ lao động,  ATVSLĐ còn thấp, chưa tương xứng với tính chất, đặc thù của ngành nghề hoạt động; nội dung chưa cụ thể, giải pháp thiếu tính lâu dài như: chưa đầu tư trang bị máy móc thiết bị mới, thiết bị an toàn; thiếu quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, khám định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp và công tác huấn luyện ATVSLĐ còn nhiều khiếm khuyết. Đối với các công trình xây dựng, giải pháp ATVSLĐ trong thi công công trình là điều đặc biệt quan trọng đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bách Khoa, TP. Long Xuyên) khẳng định: "Vấn đề ATVSLĐ đối với các công trình xây dựng do công ty thực hiện được quan tâm hàng đầu. Từ khi làm hồ sơ đấu thầu đã đưa giải pháp an toàn lao động, chất lượng và hiệu quả, thi công đảm bảo theo yêu cầu nghiêm ngặt về tiến độ, chất lượng và mỹ quan.

Hiện nay, công ty đang thi công hơn 10 công trình với hơn 600 công nhân, trong đó có công trình lớn, cao tầng như: UBND TP. Long Xuyên và Nhà thi đấu TP. Châu Đốc... Tất cả các công trình trước khi khởi công đã được rào chắn, lặp đặt biển báo, đèn tín hiệu cảnh báo đêm. Khi vào thi công, lực lượng công nhân bắt buộc phải được trang bị bảo hộ lao động: nón bảo hộ, găng tay, quần áo công nhân... Khi lao động trên cao phải thắt dây an toàn thực hiện đảm bảo an toàn lao động".

Quy định thôi chưa đủ, ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: "Đội ngũ cán bộ kỹ thuật xuyên suốt kiểm tra, nhắc nhở các vi phạm về ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ trong quá trình thi công. Đồng thời, xử lý nghiêm công nhân không thực hiện đúng quy định. Đây là tiêu chí ban tổng giám đốc luôn quan tâm, cùng với tiến độ, chất lượng và mỹ quan đối với từng công trình công ty thực hiện".

Năm 2020, Tháng hành động về ATVSLĐ có chủ đề: "Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc", tỉnh đổi mới công tác triển khai thực hiện, tăng cường tuyên truyền, truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, tuyên truyền đến các DN, NLĐ.

Ngoài tuyên truyền, các ngành chức năng tư vấn chính sách pháp luật cho đoàn viên, NLĐ; hướng dẫn các biện pháp an toàn trong sử dụng điện, phòng tránh tai nạn thương tích, cháy nổ, điện phóng tại các DN, công trình xây dựng… Tuyên truyền đến các nhà thầu, công trình, DN về biện pháp đảm bảo các điều kiện an toàn trong thi công xây dựng, vi phạm ATVSLĐ...

Cần nhất ý thức của người sử dụng lao động và NLĐ phải nhận thức đúng và tự bảo vệ mình, sử dụng phương tiện bảo hộ trong lao động, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bảo đảm an toàn, sức khỏe và tính mạng cho NLĐ.

HẠNH CHÂU