Theo Sở Nội vụ, công tác CCHC tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt những kết quả tích cực, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình đề ra đầu nhiệm kỳ. Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hàng năm đạt kết quả tốt hơn và có sự cải thiện vị trí xếp hạng, từ nhóm các tỉnh đạt điểm “Trung bình cao” lên nhóm có thứ hạng “Điểm cao khá”.
Qua 10 năm triển khai Chương trình CCHC của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương nỗ lực tham mưu, cơ bản hoàn thành tốt chỉ tiêu. Cụ thể, đạt 81/82 nhiệm vụ (tỷ lệ 98,78%); 25/25 đề án, dự án CCHC (đạt 100%); 23/27 mục tiêu (đạt 85,19%). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đạt 89,91%.
Qua đánh giá, xếp hạng Chỉ số PAR Index tỉnh An Giang có số điểm trung bình là 82,36 điểm. Trong đó, năm 2015 đạt 85,56 điểm; năm 2012 xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều năm liền, An Giang luôn duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có sự điều hành khá trong công tác CCHC.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công An Giang (PAPI) nếu như năm 2011 đạt 33,39 điểm (xếp hạng 57/63 tỉnh, thành phố, xếp hạng 12/13 tỉnh khu vực ĐBSCL), thì đến năm 2019 xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố; năm 2020 đạt 43,852 điểm (xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2019) và đứng thứ 3/13 vùng ĐBSCL.
Công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương (Ảnh chụp trước khi giãn cách xã hội)
Để đạt kết quả đó, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã thực hiện tốt vai trò quản lý, điều hành, tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều nội dung CCHC đạt kết quả quan trọng. Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh được duy trì thường xuyên, là nhân tố quan trọng để thảo luận, xin ý kiến chỉ đạo, chủ trương của lãnh đạo tỉnh, quyết định những vấn đề quan trọng trong công tác CCHC. Các cơ quan, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố tích cực nghiên cứu, áp dụng hoặc nghiên cứu, học hỏi từ nơi khác để vận dụng, triển khai giải pháp, mô hình hay. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.
Song song với việc triển khai quy định của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, tỉnh còn nghiên cứu nhiều hoạt động, giải pháp, sáng kiến mới trong CCHC, mang lại hiệu quả thiết thực, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao, như: mô hình “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” vào ngày thứ 4 hàng tuần tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND cấp huyện, UBND cấp xã, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Sở Tư pháp tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật qua tin nhắn điện thoại để nâng cao hiểu biết và tuân thủ pháp luật của người dân. Ngành y tế vận hành Kios thông minh phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang; thông qua quy trình nhận bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi khám và điều trị bệnh, nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ y tế.
Sở Giao thông - Vận tải chuyển giao TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở cho 11 UBND cấp huyện và 156 UBND cấp xã tiếp nhận (thay vì phải đến trực tiếp Sở Giao thông - Vận tải), là giải pháp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN). Công an tỉnh thực hiện công trình “Viết hộ tờ khai chứng minh nhân dân cho người dân”. Công an TP. Long Xuyên tổ chức thực hiện “Ngày thứ 6 giúp dân”, hỗ trợ thực hiện TTHC lĩnh vực cư trú, giải quyết trong ngày so với quy định thông thường từ 2-3 ngày làm việc. Một số địa phương triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại nhà không thu phí thông qua dịch vụ bưu chính công ích đối với một số thủ tục thuộc lĩnh vực; triển khai phòng họp không giấy, thực hiện chứng thực lưu động...
An Giang đã nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN. Cùng với quan điểm “sự thành công của DN là sự thành công của tỉnh”, tỉnh luôn nhất quán áp dụng nguyên tắc bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế, loại hình DN trong việc tiếp cận đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nguồn lực tài chính hỗ trợ từ ngân sách, dự án đầu tư công, chính sách thuế, chính sách tín dụng, giải quyết TTHC. Tăng cường công tác đối thoại, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN. Chú trọng xây dựng hình ảnh lãnh đạo chính quyền tỉnh An Giang năng động và sáng tạo, luôn đồng hành với sự phát triển của DN.
HẠNH CHÂU