Phát hiện nhiều vụ buôn lậu
Cụ thể, các đường dây buôn lậu lớn trên địa bàn đã bị lực lượng chuyên ngành phát hiện và xử lý triệt để như vụ buôn lậu 51kg vàng 9999 của đối tượng Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) cầm đầu. Qua chuyên án này cho thấy, dù đối tượng buôn lậu trên biên giới lẫn nội địa có thủ đoạn tinh vi đến mấy, chúng vẫn bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vụ án này vào diện quản lý, theo dõi.
Buôn lậu ngày nay rất tinh vi, đối tượng buôn lậu tận dụng triệt để nền tảng của cuộc cách mạng công nghệ số để qua mắt lực lượng chức năng. Họ sử dụng rất thành thạo các ứng dụng của công nghệ số, như: Ứng dụng định vị, ứng dụng mạng xã hội: Zalo, Viber… để liên lạc nhau nhằm tránh sự theo dõi, phát hiện của lực lượng chức năng. Ngoài việc cử người canh coi, theo dõi các hoạt động của lực lượng chức năng trên tuyến biên giới, việc phối hợp với nhau để vận chuyển hàng hóa qua biên giới ngày càng tinh vi, điều đó làm cho lực lượng chức năng (công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường…) rất vất vả trong thực hiện nhiệm vụ.
Đối tượng Nguyễn Văn Nghiệp và tang vật bị bắt giữ
An Giang có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài khoảng 100km, qua 5 địa phương khu vực biên giới, gồm: TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn. Địa hình đồng bằng, nhiều đường mòn, lối mở, vì vậy đối tượng buôn lậu đã lợi dụng triệt để địa hình, địa vật tại khu vực biên giới để tìm cách buôn lậu. Ở huyện An Phú, hàng lậu vận chuyển theo kênh Tà Suông (Campuchia) ra rạch Chắc Ri hoặc ngọn Cả Hàng (xã Vĩnh Hội Đông) để đưa hàng vào nội địa. Ở xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), đối tượng buôn lậu chủ yếu tập trung hàng hóa ở địa bàn ấp 5 (xã Vĩnh Xương), khi có thời cơ thì chúng đưa hàng qua biên giới, vào sâu trong nội địa để tiêu thụ. Đặc biệt trong những tháng gần đây, trên khu vực này còn xuất hiện buôn lậu vàng, nhưng đã bị lực lượng biên phòng phát hiện và bắt giữ .
Ngăn chặn, triệt phá
“Qua công tác theo dõi nắm tình hình và chỉ đạo các lực lượng đẩy mạnh triệt xóa buôn lậu cho thấy, các đối tượng buôn lậu trên địa bàn ngày càng tinh vi. Cụ thể, thời gian vận chuyển hàng hóa của các đối tượng này từ 2 - 4 giờ sáng; 15 giờ 30 phút- 17 giờ 30 phút chiều. Khi bị các lực lượng chốt chặn, kiểm soát gắt gao thì chúng tập kết phía bên kia biên giới, chờ thời cơ để vượt qua biên giới đi sâu vào nội địa. Chính cách đối phó như thế làm cho công tác đấu tranh, phòng chống rất vất vả. Song, chúng tôi quyết tâm làm đến nơi, đến chốn” - Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải chia sẻ.
Về phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, chúng dùng phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe môtô, xe đạp từ Campuchia qua biên giới sang Việt Nam, sau đó chuyển vào nội địa. Số lượng người đai vác, vận chuyển từ 10-20 lượt người/ngày. Số này bao gồm cả người dân ở các xã nội địa, như: Xã Tân An, Vĩnh Hòa và dân cư tại địa bàn. Hầu hết có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định, trong số đó, một số người thấy lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu quá lớn nên tham gia buôn bán, vận chuyển hàng lậu.
Buôn lậu có tinh vi đến đâu, chúng vẫn bị phát hiện và bắt giữ, đó là khẳng định của lực lượng chức năng trên tuyến biên giới. Điển hình mới đây, lúc 14 giờ 25 phút, ngày 29-9-2021, Tổ công tác kiểm soát cửa khẩu đường bộ (Trạm biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương) phối hợp Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương tiến hành kiểm tra, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu đường bộ, phát hiện Nguyễn Văn Nghiệp (sinh năm 1982) đang điều khiển xe môtô không biển kiểm soát, phía sau xe có gắn 2 giỏ xách để vận chuyển hàng hóa. Tổ công tác phát tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện trong giỏ xách của Nghiệp có 336 chiếc vòng; 696 chiếc bông tai; 76 mặt dây chuyền bằng kim loại màu vàng có gắn hột màu trắng, 114 sợi dây kim loại màu vàng. Số tang vật trên được Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh) và Hội đồng định giá tài sản giám định kết luận có thành phần kim loại vàng (Au), với tổng khối lượng vàng: 2.064,2731gr, có tổng giá trị 1.644.465.000 đồng. Trong vụ việc này, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen.
Trong công tác chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang và các địa phương luôn quán triệt quan điểm, không có “vùng cấm”, “không có trường hợp ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Nếu lực lượng chống buôn lậu mà có biểu hiện tiếp tay cho buôn lậu sẽ bị xử lý ngay, chính điều đó đã làm cho công tác chống buôn lậu đạt được nhiều kết quả đáng tự hào, buôn lậu trên địa bàn đã được hạn chế đến mức thấp nhất…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư chia sẻ.
|
Bài, ảnh: MINH HIỂN