Nhiều nhiệm vụ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

09/08/2023 - 06:42

 - Thời gian qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh An Giang đạt một số kết quả lớn. Đó là chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển; huy động các ngành, các cấp tích cực tham gia, đặc biệt trong truyền thông, giáo dục.

BS.CKI Nguyễn Hồng Nam (Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh An Giang) cho biết: “Đến nay, đa số chỉ tiêu về dân số đều đạt yêu cầu. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số giảm còn dưới 0,9%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 8,1%; tỷ số giới tính khi sinh đạt 108,85 trẻ em trai/100 trẻ em gái; 67,8% cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; 70% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 35% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến; 58% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Gần 23% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

 Tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số

Ngành chuyên môn phối hợp cơ quan truyền thông thực hiện chuyên mục định kỳ, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về dân số và phát triển, chương trình nâng cao chất lượng dân số. Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ; tầm soát, sàng lọc chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản; tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân được củng cố và tăng cường. Tỉnh thành lập điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ trước sinh, sơ sinh từ tỉnh đến xã; 11 trung tâm y tế tuyến huyện đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn...

Nguồn nhân lực thực hiện công tác dân số được đảm bảo từ tỉnh đến huyện, xã (trên 200 cán bộ; hơn 3.700 cộng tác viên địa bàn). Hàng năm, Chi cục DS - KHHGĐ tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ dân số; triển khai hiệu quả chương trình đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản; tích hợp số liệu dân số vào trung tâm điều hành thông minh ngành y tế.

6 tháng đầu năm 2023, thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn về nâng cao chất lượng dân số, toàn tỉnh đã sàng lọc trước sinh cho 6.276 bà mẹ mang thai (đạt 75% kế hoạch năm), phát hiện 45 ca nguy cơ cao (hội chứng Down, hội chứng Edward); 6.342 trẻ được sàng lọc sơ sinh (đạt 45,8%), phát hiện 67 trẻ suy giáp trạng bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản thượng thận bẩm sinh; khám sức khỏe cho 7.819 nam, nữ thanh niên (trước khi kết hôn) và 15.229 người cao tuổi.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, khi 6 tháng đầu năm 2023 có 8.850 trẻ em sinh ra (nữ 4.205 trẻ). Tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 70,9% (đình sản, đặt vòng tránh thai, thuốc cấy, thuốc tiêm, thuốc viên, bao cao su); củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. 

Tuy nhiên, công tác DS - KHHGĐ vẫn còn hạn chế, do tổ chức bộ máy dân số các cấp thiếu biên chế, chưa đúng số lượng so chỉ tiêu giao. Đội ngũ cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chương trình còn chậm. Từ nay đến cuối năm, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh tập trung tổ chức hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7), Ngày Tránh thai thế giới (26/9), Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10), Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12); kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác dân số các cấp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đồng thời, thực hiện các chỉ tiêu cơ bản về dân số, tỷ suất sinh, mức tăng tỷ suất sinh, tổng tỷ suất sinh, tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ con thứ 3+, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Hoàn thành các chỉ tiêu chuyên môn về: Điều chỉnh mức sinh; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh; tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, số người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại...

Tỉnh tổ chức hiệu quả hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số các cấp; truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu: Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, 156 câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên”, để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho trung tâm y tế tuyến huyện; tuyên truyền nâng cao kiến thức về cung cấp dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình cho vị thành niên, thanh niên...

HẠNH CHÂU