Lan Huệ trồng chậu xử lý ra hoa
Một số kết quả nổi bật trong các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở đã được nghiệm thu, như: Thử nghiệm giá thể trồng dưa lưới từ bã thải sau khi trồng nấm rơm, kết quả cả 8 nghiệm thức thử nghiệm đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn nghiệm thức trồng đối chứng, trong đó nghiệm thức 100% giá thể là bã thải rơm sau khi chất nấm rơm đem trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
Kết quả đánh giá hiệu quả trồng cây khoai môn từ củ để lại của cây cấy mô, cho thấy năng suất thu hoạch cây khoai môn từ củ cây nuôi cấy mô đạt 2.941kg/1.000m2, cây cao hơn, bề rộng mặt lá lớn hơn, khả năng chống chịu bệnh tốt, trong khi cây khoai môn trồng từ củ do nông dân để lại đạt 2.464kg/1.000m2.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và xử lý ra hoa củ lan huệ (Hippeastrum sp.) ngoại cánh kép Double King, đã hoàn thiện quy trình nhân nhanh củ giống lan huệ ngoại cánh kép Double King bằng phương pháp nuôi cấy mô và kỹ thuật xử lý ra hoa, góp phần bổ sung giống hoa mới đáp ứng nhu cầu của thị trường hoa kiểng. Xây dựng mô hình trồng nấm rơm dạng trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm đạt lợi nhuận cao hơn 60% so với nhà trồng nấm rơm dạng trụ vì tiết kiệm công lao động, dễ thu hoạch, tận dụng ưu thế không gian nên số trụ trồng nhiều hơn, năng suất cao hơn.
Đối với quá trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá nàng hai, kết quả đạt được các chỉ tiêu nuôi vỗ bố mẹ đạt tỷ lệ thành thục >75%, tỷ lệ rụng trứng >80%, tỷ lệ trứng thành thục, tỷ lệ nở >70%; ương cá bột lên giống đạt tăng trưởng 1-1,5gr/con, tỷ lệ sống >70% sau 60 ngày ương. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao về địa phương triển khai sản xuất nhân rộng, nhằm cung cấp cá giống chất lượng tốt phục vụ nghề nuôi cá nàng hai.
Nghiên cứu ảnh hưởng của bột đinh lăng đến năng suất sinh trưởng và chất lượng thân thịt của gà thịt, xác định mức độ bột đinh lăng tối ưu bổ sung vào khẩu phần ăn gà nòi Bến Tre, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao chất lượng thân thịt và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi... Hầu hết các kết quả nhiệm vụ KH&CN được đơn vị chủ trì thực hiện tuyên truyền thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn và phương tiện truyền thông ở địa phương, nhằm thông tin về những giống cây trồng, vật nuôi, các phương pháp sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng hoàn thiện danh mục với 66 đề xuất đặt hàng và tổ chức 3 Hội đồng KH&CN tư vấn xác định danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Kết quả, hội đồng đã phê duyệt 18/66 đề xuất vào danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở năm 2022 (đợt 1). Đồng thời, chủ trì tổ chức giám sát mô hình và tiến độ triển khai thực hiện 15 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tổ chức làm việc với 25 doanh nghiệp (DN) để tìm hiểu nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của DN trong lĩnh vực KH&CN. Qua đó, hỗ trợ DN xây dựng phiếu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết của DN trên cơ sở KH&CN và đổi mới, sáng tạo.
Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, UBND TP. Long Xuyên, Trường Cao đẳng nghề An Giang tổ chức Hội đồng KH&CN tư vấn xét duyệt đề cương và thẩm định cấp kinh phí hỗ trợ thực hiện 7 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của ngành, đơn vị, cụ thể: Nghiên cứu sản xuất bột sương sâm Tiliacora triandra theo hướng an toàn từ lá sâm già trồng tại An Giang; xây dựng quy trình chế biến sản phẩm nhang sạch bổ sung bột lá chúc giàu tinh dầu có lợi cho sức khỏe; đánh giá khả năng sinh trưởng và thích nghi của giống hoa huệ hồng mới Polianthes tuberosa “Pink Sapphire” tại An Giang; xây dựng hệ thống khử khuẩn ôtô tự động tại các cửa khẩu trên địa bàn An Giang; nghiên cứu và áp dụng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến trên nền tảng Moodle và điện toán đám mây; nghiên cứu quy trình sản xuất tinh dầu từ rau củ quy mô phòng thí nghiệm; nghiên cứu xây dựng quy trình trồng ớt charapita (Capsicum chinense) và cải kale (Brassica oleracea var. sabellica) trong nhà lưới theo hướng an toàn.
Nhìn chung, hoạt động triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh được thực hiện đảm bảo theo kế hoạch. Kết quả nhiệm vụ giải quyết các vấn đề thực tế tại các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, củng cố luận cứ khoa học, giải pháp ứng dụng công nghệ phục vụ trong giảng dạy, kiểm soát dịch và điều trị bệnh; cung cấp mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế làng nghề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
HẠNH CHÂU