Nhiều nội dung lưu tâm khi sửa Luật Đất đai

14/04/2022 - 06:41

 - Đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, có trên 400 văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, nhưng trong môi trường bất động sản, Luật Đất đai hiện hành còn thiếu nhiều quy định, chưa chặt chẽ.

Sau gần 10 năm thi hành, Luật đất đai 2013 đã giúp quản lý nhà nước về đất đai chặt chẽ hơn ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được triển khai rộng rãi; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được rút gọn; bước đầu hình thành được thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, giúp huy động được nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, những mặt tích cực đó vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu thực tiễn đặt ra. Sau khi đi vào thực hiện được thời gian ngắn, luật đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đặc biệt, vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong việc chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, đất cho các dự án du lịch có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh… chưa chặt chẽ. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất.

Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, đa số địa phương cho rằng, còn nhiều vướng mắc liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, cơ chế tạo quỹ đất, quy hoạch sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng; quản lý đất nông nghiệp… khó thực hiện bởi các quy định hiện hành, rất cần được xem xét bổ sung, sửa đổi càng sớm càng tốt.

Theo Kế hoạch 24-KH/BCĐ, ngày 20/4/2021 của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Đảng đoàn Quốc hội được Trung ương giao nhiệm vụ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; đồng thời rà soát, hoàn thiện các đạo luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát việc thực hiện trong phạm vi cả nước. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV ban hành nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó, dự án Luật đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, 9 định hướng sửa đổi Luật đất đai 2013 là: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai; quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Luật này có tầm quan trọng đặc biệt, ở vị trí trung tâm hệ thống pháp luật nói chung nhất là về đất đai; tác động đến phạm vi rất lớn, tính chuyên sâu, phức tạp và độ khó rất cao. Yêu cầu cần phải thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. "Do là việc đại sự nên lắng nghe càng nhiều càng tốt, nhiều người nói, từ nhiều phía, khiêm tốn, cầu thị, gạn đục khơi trong để đây thực sự là cơ hội tạo ra sự thay đổi căn bản trong thực hiện pháp luật. Trước mắt, yêu cầu Ủy ban Kinh tế phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND của 63 địa phương, các chuyên gia góp ý quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn tới năm 2050 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp tháng 10 tới”.

Có thể thấy, việc sửa đổi luật phải “thật chín”, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra, vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn. Hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, mang tính chất tình thế... để có tính khả thi cao, bảo đảm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý cũng như sự vận hành của các quan hệ kinh tế, dân sự trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

N.R

 

Liên kết hữu ích