Sẵn sàng điều kiện “sống chung với dịch”
Mới đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân triển khai công tác vệ sinh, khử khuẩn phòng học, chuẩn bị các điều kiện thiết yếu để đáp ứng phòng chống dịch khi sinh viên trở lại học tập trung. Các địa điểm làm việc và khu giảng đường được nhà trường bố trí tăng cường thêm nước rửa tay, dung dịch sát trùng, khẩu trang, nhiệt kế hồng ngoại để phục vụ công tác đảm bảo sức khỏe hàng ngày cho cán bộ, giảng viên, sinh viên; đồng thời, sớm phát hiện nếu có những trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
Trường đại học sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Theo PGS. TS Phạm Hồng Chương, nhà trường có phương án đón sinh viên trở lại trường học tập trung. Để tiến hành việc này, nhà trường phối hợp với y tế phường tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, giảng viên và một số sinh viên ở Hà Nội. Dự kiến, những sinh viên ở các tỉnh, thành chưa tiêm sẽ được trường tổ chức đăng ký tiêm ngay sau khi đi học tập trung trở lại.
Hiện nay, Đại học Thái Nguyên đã đón trên 13.000 sinh viên trở lại trường học tập, trong đó có 10.585 sinh viên học ở ngoại trú và 2.371 sinh viên (trong đó gần 600 lưu học sinh, sinh viên) ở nội trú. Nhà trường căn cứ quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và diễn biến dịch bệnh tại tỉnh Thái Nguyên, các đơn vị đào tạo thuộc Đại học Thái Nguyên đã chuẩn bị chu đáo điều kiện giảng dạy, học tập. Việc sinh viên trở lại trường sẽ được tổ chức theo từng khoá học.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể, dự kiến sinh viên có thể trở lại trường vào đầu tháng 11.
Theo Ban đào tạo Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhà trường dự kiến giữa tháng 11 sẽ cho sinh viên trở lại trường. Tuy nhiên, việc trở lại trường của sinh viên sẽ không phải cùng một lúc, mà ưu tiên sinh viên năm cuối đến trường, chuẩn bị bài tốt nghiệp. Sau đó, trường mới cho sinh viên năm 1, 2, 3 đến trường học trực tiếp.
Ở phía Nam, một số trường như Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã có thông báo cho phép người học có nguyện vọng được đăng ký đến trường sử dụng phòng thí nghiệm, xưởng thực hành thời gian tới. Theo thống kê, hiện có hơn 2.000 sinh viên đã đăng ký tham gia học tập trung tại trường trong các lớp thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học và luận văn tốt nghiệp. Tuy nhiên những sinh viên này phải đảm bảo tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K mới đủ điều kiện ra vào trường.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh dự kiến cho sinh viên trở lại trường từ ngày 1/11. Quy định này chỉ áp dụng với sinh viên thực hành, thí nghiệm và làm đồ án tốt nghiệp. Giảng viên, người học trực tiếp phải tiêm đủ liều vaccine. Mỗi lớp học được mở tối đa là 20 sinh viên.
Tranh thủ thời gian trực tiếp để dạy học
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Theo đó, các cơ sở giáo dục căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường, cấp quận, cấp tỉnh để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn, theo nguyên tắc “khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại trường học tập”; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định.
Cụ thể, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình; đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): căn cứ vào thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến, học trên truyền hình hoặc giao bài tự học...
Chia sẻ về việc học sinh trở lại trường trong bình thường mới, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, khi cho học sinh đi học trở lại, các trường cần có kế hoạch đảm bảo an toàn, hạn chế tổ chức các hoạt động tập thể, giao lưu giữa nhiều lớp với nhau. Các hoạt động học tập kể cả hoạt động tập thể chỉ diễn ra ở khuôn khổ lớp học. Nếu xảy ra rủi ro thì đảm bảo việc ngăn chặn trong phạm vi lớp học hoặc một vài lớp học. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải có bộ phận thường trực, có tập huấn bài bản để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. Đặc biệt, nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đưa trẻ từ nhà đến trường và từ trường về nhà theo tinh thần “một cung đường 2 điểm đến”.
Theo LÊ VÂN (Báo Tin Tức)