Nhiều ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

08/03/2023 - 06:17

 - Nhiều đơn vị, cơ quan (HĐND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh...) vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhận được nhiều đóng góp thiết thực, sát với thực tế.

Đảm bảo quyền lợi cho người dân

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về quy định bảo đảm quyền lợi cho người dân trong sử dụng đất. Khoản 2, Điều 5 của dự thảo luật quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (gọi là hộ gia đình)”, cần điều chỉnh, bổ sung quy định cụ thể. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Châu Đốc Đinh Văn Bảo cho biết, luật nên quy định rõ khái niệm về “huyết thống trong hộ gia đình” được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ, về thừa kế... Từ “huyết thống” trong dự thảo luật có thể hiểu nhiều đời (tam tộc, cửu tộc), do đó luật quy định chỉ trong 3 đời. Trong hộ gia đình, có thành viên không đủ điều kiện hoặc không muốn ở trong hộ gia đình nhưng theo quy định của luật, quyền lợi của họ sẽ bị gây bất lợi, thậm chí bị thiệt hại nặng. Đối với tất cả dự án cần quy định do nhà nước xem xét phê duyệt. Với dự án nhỏ, ngoài xem xét mức độ đầu tư, quy mô dự án, cần xem đến yếu tố địa bàn, mức độ dân cư nơi dự án tọa lạc.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Sơn (HĐND tỉnh) góp ý, quy định hộ gia đình ghi tên các thành viên là đúng, nhưng chưa đủ (người ở ngoài hộ gia đình thì thế nào). Về khái niệm thu hồi đất, trưng dụng đất (chương VI) quy định còn khó hiểu, cần phải giải thích rõ ràng. Trong phần tái định cư, nên quy định theo từng vùng, miền, khu vực. Khi nhà nước thu hồi đất, người có đất đã thu hồi, được quy định rõ về quyền lợi cụ thể, đồng thời, làm rõ khái niệm “tốt hơn nơi chỗ cũ”; đồng ý UBMTTQVN tham gia thành viên ở một số ban, tổ, hội đồng (như hội đồng hòa giải). Đề nghị luật quy định nâng hạn mức sử dụng đất, bởi với 3ha hiện tại là quá thấp, không thể thực hiện chủ trương công nghiệp hóa trong nông nghiệp như phun xịt, sạ lúa bằng “máy bay không người lái”.

Nâng vai trò quản lý nhà nước

Các đại biểu thảo luận xung quanh 10 nội dung lớn, như: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai... Đặc biệt, nhiều ý kiến băn khoăn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giao hết cho tòa án giải quyết (Điều 225). 

Nhiều ý kiến đề nghị, trong giải quyết tranh chấp đất đai, vai trò UBND cấp xã vô cùng quan trọng, vì nơi đây nắm rõ về nguồn gốc đất, biết về vị trí đất, nguyên nhân xảy ra tranh chấp... Trong giải quyết tranh chấp đất đai, luật quy định để đương sự chọn lựa cách giải quyết là khởi kiện đến tòa án hay gửi đơn khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước giải quyết. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Trương Hoàng Trọng đóng góp, giao hết tranh chấp đất đai cho tòa án giải quyết là khó đảm đương, bởi cơ quan này vốn đã quá tải. Cùng quan điểm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, một số đại biểu đề nghị, luật giao cho đương sự tự chọn cơ quan giải quyết; đặc biệt, pháp luật cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong giải quyết tranh chấp.

Có ý kiến nhận định rằng, quy định “giao hết tranh chấp đất đai cho tòa án” thể hiện tâm lý “làm không được thì đẩy qua tòa án cho xong”. Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đất đai có nêu rõ phương châm “giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương”. Vì vậy, dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND, tức là đã thu hẹp quyền của người dân, bỏ đi 1 cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng. Đất đai là một đối tượng vô cùng phức tạp, nên việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết. Trong khi đó, vụ việc đã có thể kết thúc ngay từ những buổi làm việc tại UBND cấp xã. Do đó, đề xuất trao UBND thẩm quyền giải quyết tranh chấp, vì hồ sơ đang được lưu giữ ở cơ quan hành chính. Như vậy, thủ tục cũng đơn giản hơn, người dân không cần đóng án phí 5% trên giá trị tài sản tranh chấp như khi ra tòa...

Ở góc nhìn khác, nếu giao thẩm quyền cho UBND thì điểm thuận lợi là vấn đề được giải quyết nhanh hơn và có thể cấp luôn giấy chứng nhận. Tuy nhiên, nếu UBND không thể giải quyết thì sự việc vẫn phải đưa ra tòa án. Còn Điều 226 dự thảo luật sửa đổi quy định, tòa án và UBND đều có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Từ đó, đề nghị nên giao thẳng việc này cho tòa án. Bởi việc giải quyết tranh chấp ở tòa án sẽ tạo điều kiện để người dân đối thoại trực tiếp với người ra quyết định hành chính. Tòa án cũng có luật hòa giải, khi 2 bên có chung tiếng nói có thể rút ngắn thời gian giải quyết.

N.R