(1).jpg)
Ngư dân khai thác cá trên sông Vĩnh Hội Đông.
Vào cuộc mưu sinh
Thả chiếc xuồng nhỏ theo dòng nước lũ đang dâng trên nhánh sông Vĩnh Hội Đông, anh Nguyễn Văn Huệ, ngụ xã An Phú không giấu được niềm vui. Anh Huệ lạc quan: “Năm nay nước lũ “đẹp” hơn mấy năm trước. Nước lên mạnh, chúng tôi mừng lắm. Tôi mong nước lên đều để cá, tôm sinh sôi”.
Nhìn theo chỉ tay của anh Huệ, khung cảnh ngã ba Bùng Binh của sông Vĩnh Hội Đông mở rộng hơn thường lệ. Năm nào nước lên, ngã ba này cũng mênh mông hơn, mang đậm nét quê truyền thống của sông nước đầu nguồn. “Mới tháng 6 âm lịch nước đã như vầy, tới tháng 6 nhuận chắc cá chạy nhiều. Hôm giờ tôi giăng lưới thấy xuất hiện một số cá lăng, cá mè vinh, cá đỏ mang… kha khá. Mấy người đổ dớn thì có cá linh non nhưng còn nhỏ nên người ta chưa bắt được nhiều”, anh Huệ nói.
Theo nghề câu lưới từ hồi tóc còn để chỏm, anh Huệ chứng kiến bao cuộc đổi thay của con nước lũ. Cách đây 30 năm, Vĩnh Hội Đông nổi tiếng là “túi cá” của xứ đầu nguồn An Phú. Cá đồng từ Campuchia theo con nước về ngã ba sông Vĩnh Hội Đông, người ta đổ dớn, cất vó, kéo lưới, quăng chài… đều “dính” cá. Lúc ấy, chợ Vĩnh Hội Đông trở thành thế giới của cá đồng. Người ta không cân ký mà tính bằng giạ. Cá đồng mùa lũ tiêu thụ tại chỗ không hết, bạn hàng mang ghe đục lên cân rồi đem về miệt dưới tiêu thụ.
“Ngày trước kiếm con cá đồng không khó. Người dân mần ruộng, mùa nước có vài tay lưới là bắt cá ăn không hết. Có người ủ mắm để ăn quanh năm, có người làm khô đến mấy bao quăng lên gác bếp. Mắm ăn chưa hết, khô còn cả bao thì lại đến mùa nước nổi. Lúc đó, cha tôi xuống sàn lôi xuồng ra trét chai, lục mấy tay lưới cũ ra vá lại chỗ rách. Đến đời tôi cũng vậy”, anh Huệ chia sẻ.
Theo anh Huệ, khoảng cuối tháng 5 âm lịch, anh chuẩn bị xong ngư cụ. Những chiếc lọp cá lóc được kiểm tra, buộc lại mấy mối dây bị bung, sẵn sàng cho mùa cá mới. Hiện mới đầu mùa nước nên anh giăng lưới cầm chừng. Khoảng tháng nữa, khi con nước phủ trắng những cánh đồng biên giới, anh Huệ sẽ lên đường mưu sinh cùng nước lũ.
Mơ ước vươn lên
Cũng theo nghề câu lưới từ nhỏ nhưng anh Trần Văn Nghĩa, ngụ xã Thạnh Mỹ Tây chọn việc cất vó làm kế mưu sinh. Mỗi mùa nước, anh Nghĩa đến những cánh đồng giáp biên thuộc phường Vĩnh Tế, phường Thới Sơn để đóng vó mưu sinh. Tuy nhiên, vì hiện con nước chưa lên cao nên anh chỉ chuẩn bị đồ nghề, phải chờ tháng nữa mới hạ vó.
“Giờ tôi lo đồ nghề trước, ít bữa mới cắm xôm cúng “ông Tà, Bà Cậu” để vô mùa bắt cá. Năm trước, cá mắm đỡ, đến cuối mùa, tôi kiếm được gần 20 triệu đồng. Vì là nghề “đợi cá”, đánh bắt kiểu truyền thống nên tôi chỉ mong “Bà Cậu” cho mình sống được với nghề”, anh Nghĩa trải lòng.
Anh Nghĩa nhận định, bên cạnh sự đổi thay của khí hậu, việc ngư dân thời nay dùng ngư cụ cấm, sử dụng xuyệc điện để bắt cá cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Riêng anh vẫn trung thành với cái vó càng và chỉ đặt những nơi được cho phép. Hiện anh xem nghề đặt vó là việc làm thêm để tăng thu nhập chứ không còn là kế mưu sinh duy nhất.
“Trước đây, tôi học thêm nghề thợ hồ. Mấy tháng mùa khô, tôi làm thợ nên nguồn thu tạm ổn. Đến mùa nước ít công trình tôi đặt vó. Nếu người ta thuê đi công trình, tôi giao vó cho người khác về làm thợ cho ổn định. Nghề con cá nay được mai thất, không lường trước được”, anh Nghĩa nói.
Theo anh Nghĩa, anh định hướng nghề nghiệp khác cho con. Hiện con trai anh học nghề sửa máy, thợ tiện để có cơ sở làm ăn vững chắc. Còn con gái út, anh cố gắng nuôi con ăn học. “Đời tôi ít chữ ráng lo cho con đi học. Mấy đứa con trai đứa nào cũng tốt nghiệp cấp ba nên tôi yên tâm. Tôi mong tụi nhỏ sau này có nghề nghiệp ổn định hơn, không phải ngồi trông trời đợi cá như cha nó”, anh Nghĩa nói.
Bài và ảnh: THANH TIẾN