.jpg)
Nhà khoa học cùng nông dân tăng cường lựa chọn giống lúa thích hợp.
Nền tảng để triển khai hiệu quả
Một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công bước đầu của Đề án chính là sự liên kết chặt chẽ giữa 4 chủ thể: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Còn nhớ, thời điểm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các diễn đàn nông nghiệp hay lúc trà dư tửu hậu với anh em báo chí, doanh nghiệp, đồng chí Lê Minh Hoan (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội) thường nhắc đến vị trí, vai trò, tính hiệu quả của liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp nói chung, Đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao nói riêng.
Đồng chí Lê Minh Hoan khẳng định: “Mỗi chủ thể trong mô hình “4 nhà” giữ vai trò không thể thay thế trong toàn bộ chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nhà nước giữ vai trò định hướng, xây dựng chính sách, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tài chính.
Nhà khoa học cung cấp quy trình canh tác tiên tiến, công nghệ giảm phát thải. Doanh nghiệp đảm bảo đầu ra, tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ. Nhà nông là trung tâm thực hành, hưởng lợi và cùng chia sẻ trách nhiệm. Chỉ khi “4 nhà” cùng nhìn về một hướng, cùng gánh trách nhiệm và cùng hưởng lợi ích, thì Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao mới có thể đi vào chiều sâu, tạo đột phá thật sự cho nền nông nghiệp Việt Nam”.
Đến nay, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai hơn 100 mô hình thí điểm, tổng diện tích hơn 4.500ha, cho thấy tính hiệu quả của đề án rất rõ rệt. Tại xã Bình Mỹ, mô hình của nông dân Lý Quang Nghị đạt năng suất 8,25 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn 11,3 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Hiệp cho rằng: “Đây là bước chuyển từ nhận thức đến hành động, mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân trên toàn tỉnh tiếp tục tham gia đề án”. Đặc biệt, mô hình tại Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh, xã Chợ Vàm, Tân Phú A1, xã Vĩnh Xương cũng đã phát huy hiệu quả nhờ cách làm linh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh chia sẻ: “Chúng tôi chủ động lựa chọn doanh nghiệp để liên kết. Khi quyền chọn đối tác thuộc về hợp tác xã, mối liên kết này mang lại nhiều thuận lợi quan trọng như: Tiếp cận vật tư đầu vào chất lượng, giá cả ổn định, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm…”.
.jpg)
Chủ động được nguồn giống gieo sạ để phục vụ chương trình xuất khẩu gạo.
Tăng tốc triển khai
Năm 2025, toàn tỉnh đăng ký 144.000ha, mục tiêu đến năm 2030 đạt 352.198ha theo Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao. Ông Trần Thanh Hiệp cho biết, đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị ngành lúa gạo gắn với tiêu chuẩn giảm phát thải. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn hiện hữu.
Hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, gây khó khăn trong khâu rút nước; trình độ kỹ thuật của nông dân còn hạn chế; liên kết doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ. Trước thực tế đó, tỉnh đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức; đầu tư hạ tầng thủy lợi; tiếp tục hỗ trợ vốn cho hợp tác xã, tổ hợp tác; thúc đẩy xử lý rơm rạ và chứng nhận tín chỉ carbon.
Tại Ngày hội thu hoạch lúa ở xã Bình Mỹ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Văn Mừng nhấn mạnh: “Việc tổ chức các mô hình liên kết không chỉ giúp gia tăng lợi nhuận cho nông dân mà còn định hình lại tư duy sản xuất sạch, bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục mời gọi doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, gắn với xuất khẩu gạo chất lượng cao, phát thải thấp”.
Để liên kết “4 nhà” đi vào chiều sâu, cần đẩy mạnh đồng thời 3 trụ cột (thể chế, hạ tầng và công nghệ). Cụ thể, Chính phủ cần sớm tháo gỡ vướng mắc về vốn vay, đẩy nhanh tiếp cận nguồn tài trợ từ quốc tế như gói 50 triệu USD không hoàn lại từ Ngân hàng Thế giới. Về hạ tầng, cần đẩy nhanh đầu tư đồng bộ hệ thống kênh, mương, giao thông nội đồng, kho sấy, chế biến
Đối với công nghệ, thúc đẩy các viện, trường cung cấp giống mới, công nghệ canh tác hiện đại, phần mềm truy xuất nguồn gốc, đo phát thải chính xác. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư sâu hơn vào thương hiệu gạo xanh, phát thải thấp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nông dân cần được trang bị kiến thức số, kỹ thuật sản xuất theo chuẩn SRP, tưới ngập khô xen kẽ, “1 phải, 5 giảm”…

Doanh nghiệp cử người đến tận ruộng lúa trao đổi, tham quan, chọn ngày thu hoạch.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thị trường quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn ngày càng cao, mô hình liên kết “4 nhà” là nền tảng vững chắc để thực hiện thành công Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao. Sự đồng hành của chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân không chỉ tạo nên chuỗi giá trị bền vững mà còn góp phần nâng cao thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế.
Bài và ảnh: MINH HIỂN