Nhớ một thuở Tết nghèo

21/01/2019 - 10:12

Ngày xưa, khi tôi còn bé, không chỉ riêng gia đình tôi, mà hết thảy các gia đình khác ở cái làng quê trên bãi bồi ven sông đều rất nghèo.

Cuộc sống lam lũ của mọi người dân chỉ quẩn quanh với đất bãi, đất ruộng, với bắp ngô, củ khoai, cây lúa mà thôi. Hầu như đại đa số đều thiếu đói trong những độ giáp hạt mùa màng.

Gia đình tôi có đông người, ngoài 5 anh chị em ra, do cha tôi là trưởng nam nên cha mẹ tôi phải có trách nhiệm nuôi thêm cả ông bà nội. Chính vì phải lo toan như vậy nên cha mẹ tôi luôn phải cật lực hết mình, thậm chí cứ mỗi độ nông nhàn, hết vụ cấy cày, gieo hạt, là cha mẹ tôi lại tất tưởi hằng ngày đạp xe sang làng hoa bên sông, cách gần chục cây số để làm thuê lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Một góc chợ Tết ở quê Ảnh: QBTV.VN

Quãng đời tuổi thơ mấy anh chị em chúng tôi luôn phải chịu cảnh đói ăn thường xuyên vì nhà hết gạo. Việc ăn cơm độn ngô, khoai thì hầu như quanh năm, kể cả vào vụ gặt, vì mẹ thường bảo phải ăn dè hà tiện mới không bị thiếu đói nhiều. Trước mỗi bữa nấu ăn, mẹ thường dùng ống bơ sữa bò đong khoảng 3 bò gạo để sẵn ra chiếc rá tre, không để mấy anh em chúng tôi tự ý vào lấy gạo nấu cơm, bởi mẹ sợ các con tự ý múc quá nhiều gạo, chum gạo sẽ nhanh hết... Vì ít gạo nên khi nấu cơm, mùa nào thức đó, nồi cơm luôn phải độn thêm cùng với ngô, khoai, sắn mới đủ cho 9 miệng ăn. Cha mẹ là người chịu khổ nhiều nhất khi không chỉ làm việc vất vả, quần quật cả ngày nhưng trong mỗi bữa ăn, cha mẹ luôn dành ngô, khoai, sắn để xới ăn, nhường phần cơm hoặc chỗ có ít độn để cho ông bà tôi, mấy anh chị em tôi ăn. Nhiều bữa sáng, cả nhà chỉ có một nồi khoai luộc, cha mẹ tôi nhường ông bà, các con ăn trước hết những củ ngon... Ngày đấy do còn nhỏ tôi không cảm nhận được tình thương, tấm lòng cao cả của mẹ cha, khi lớn lên nghĩ lại mới càng thương, biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ...

Nhưng có lẽ đáng nhớ hơn cả, thích thú và luôn mong chờ là những dịp Tết đến Xuân về. Vâng, một thuở Tết quê nghèo như những ngày xưa ấy khi cha mẹ tôi cố gắng lắm cũng chỉ lo đủ ít bánh chưng, ít thịt heo, con gà... để cúng tổ tiên nhưng luôn sống trong tôi niềm hoài niệm. Cứ gần đến Tết là tôi và trẻ con trong xóm lại nôn nao ngóng Tết, mong chờ Tết đến thật nhanh để được ăn ngon, ăn cơm trắng thoải mái chứ không phải ăn độn, ăn cầm chừng như ngày thường. Thích nhất là mấy ngày Tết được nghỉ học và không chỉ được ăn ngon mà còn được diện quần áo mới mẹ mua.

Bây giờ người ta có thể bỏ tiền ra để mua thịt heo, thực phẩm dịp Tết rất dễ dàng chứ ngày trước nhà tôi, các nhà hàng xóm đều phải "ăn đụng", nghĩa là một gia đình nuôi heo, sau đó mổ ra chia cho mỗi nhà một ít, những nhà "ăn đụng" con heo sẽ trả bằng thóc lúa sau này. Nhiều năm, do gặp cảnh thất mùa, không đủ gạo ăn dịp Tết, mẹ tôi vẫn chạy qua nhà hàng xóm được xem là giàu nhất làng để mượn tạm vài thúng thóc mang về xay giã cho gia đình ăn Tết, đợi mùa sau sẽ trả.

Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, kinh tế gia đình tôi đã khá giả hơn rất nhiều, chính vì thế mà Tết cũng luôn đủ đầy của ngon vật lạ. Tôi đã rời quê lên thành phố học hành rồi lập nghiệp từ lâu, thế nhưng khoảng thời gian mỗi khi Tết sắp về, trong tôi bao giờ cũng luôn nhớ về quãng đời tuổi thơ nơi quê nhà đầy khốn khó, khi ở đó tôi đã có biết bao những cái Tết nghèo qua đi cùng ông bà, mẹ cha, anh chị em và cả những người hàng xóm nhân hậu, thật thà... 

Theo ĐẶNG ĐỨC (Người Lao Động)