Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hoàng
Tháng 2-1968, khi vừa 18 tuổi, người thanh niên Nguyễn Xuân Hoàng (sinh năm 1950, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đã quyết định thoát ly gia đình, tham gia vào địa phương quân huyện Phú Quốc.
Ông lý giải “động cơ” rất đơn giản: truyền thống cách mạng của gia đình cộng với từng nếm trải nỗi vất vả của người dân sinh sống trong vùng tranh chấp đã thôi thúc ông lên đường.
Trận đánh đầu tiên, người lính 19 tuổi tham gia kế hoạch chiếm đồn sân bay Phú Quốc, không may bị thương, gãy nát xương đùi. Ông tưởng mình phải bị cưa chân vì điều kiện thuốc men thời điểm ấy thiếu thốn lắm.
Rất may, các bác sĩ quyết định giữ cho bằng được chân cho ông, nhưng với điều kiện, ông phải ráng chịu đựng cas phẫu thuật, chỉ sử dụng thuốc mê khi ê-kíp mổ can thiệp vào xương.
Sức chịu đựng của con người thật mạnh mẽ: ông ngồi “xem” phẫu thuật cho mình, tay chân bị trói chặt để đè nén cơn đau buốt. Vết thương lành, ông vẫn quyết tâm xin đi đánh trận tiếp tục, mặc kệ mọi lời động viên.
Một bước ngoặt lớn cho ông, khi tổ chức cử ông đi học đặc công thủy tại Quân khu 9; nhận nhiệm vụ tại Đại đội Đặc công thủy (thuộc tỉnh Long Châu Hà) vào năm 1971.
Kể từ khi tham gia cách mạng đến ngày thống nhất đất nước, ông Hoàng đã trực tiếp tham gia chiến đấu 72 trận, 13 lần đánh sập cầu, hạ 1 đồn, phá hủy ống dẫn dầu ở Quân cảng Phú Quốc.
Với những chiến công đó, ông nhận được nhiều Huân chương, Bằng khen, Giấy khen các loại. Đặc biệt, đến năm 1998, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiếc Giang Cảnh đang được trưng bày tại Khu lưu niệm Bác Tôn
Khi đất nước thống nhất, đơn vị ông Ba Hoàng thu được 4 chiếc Giang Cảnh, 7 chiếc Giang Thuyền của quân Mỹ, thành lập Đại đội tàu do ông làm Đại đội trưởng, có nhiệm vụ tuần tra trên sông.
“Đang công tác bình thường, một buổi chiều tháng 10-1975, đột nhiên Tỉnh đội mời tôi và anh Sáu Hội (Lê Phú Hội, Đại đội trưởng thông tin, sau này là Bí thư Tỉnh ủy) lên, dặn đem theo quần áo. Tới nơi, chúng tôi mới biết: tỉnh phân công tôi lái tàu, anh Sáu Hội làm nhiệm vụ thông tin (đứng sau tàu) khi Bác Tôn về thăm quê.
Từ lúc “nhận nhiệm vụ”, cả 2 không được đi đâu. Qua xem xét, tôi quyết định chọn chiếc tàu tốt nhất, phù hợp nhất trong 4 chiếc Giang Cảnh đơn vị đang có. Nhưng việc đưa Chủ tịch nước về quê trong tình thế tàn quân còn chống phá quân ta nhiều, tình hình địa phương khá gay gắt, tôi cảm thấy không yên tâm, nên bàn với cấp trên 2 việc.
Thứ nhất, để tôi lái tàu chạy thử, chứ tôi chưa rõ địa hình, đường đi về nhà Bác. Thứ hai, phải có 1 thợ máy đi theo, đề phòng khi tàu trục trặc.
Ai dè, cả 2 nội dung đều bị bác bỏ, cấp trên quyết định: chỉ có mình tôi lái tàu. Buổi sáng Bác chuẩn bị đi, xe đưa tôi về đơn vị. Tôi ra chiếc tàu đã chọn, nổ máy, nhờ thợ kiểm tra kỹ lại. Khi họ báo “tất cả đã ổn”, tôi vội lái tàu đi, trong tiếng chọc ghẹo của họ: “Đi đâu có một mình vậy?”.
Tôi đậu tàu ở cầu cảng, ngủ cả đêm dưới tàu. Trước khi ngủ, tôi phải cấp tốc hàn thêm chiếc ghế cao (loại ghế của thợ hớt tóc), đặt phía bên trái dành cho Bác ngồi. Quá trình di chuyển cực khổ lắm. Vô tới rạch, cây cối lùm xùm che khuất hướng đi, chưa kể nguy cơ bị ong đánh.
Lúc chờ Bác quay ra, đứng dưới tàu, tôi lo lắm: chạy vào thì dễ, mà lúc chạy ra mới khó, không biết làm sao quay đầu. Tôi không dám tắt máy, cứ để máy nổ suốt, sợ chúng tắt nửa chừng.
Vừa lo ngay ngáy trong bụng, vừa căng mắt vượt qua địa hình khó nên ra tới sông Hậu, mồ hôi tôi đổ như tắm. Bác Tôn đột nhiên vỗ vai: “Cháu lái tàu vậy là khá đấy! Bác cũng từng đi Hải quân”.
Quá bất ngờ và vui sướng, tôi trả lời: “Cám ơn Bác, con cũng mới biết lái, ráng hoàn thành nhiệm vụ”. Bác cười. Lời khen ngợi của một lãnh tụ đất nước như Bác khiến tôi thêm tự hào, vững bước hơn trên con đường đã chọn. Câu nói của Bác theo tôi suốt cả cuộc đời, không thể nào quên được”- ông Ba Hoàng đã từng kể với chúng tôi như thế.
Năm 2010, với sự trợ giúp về bản vẽ kỹ thuật và trực tiếp chỉ huy thi công của ông, Phòng Kỹ thuật Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã phục chế thành công tàu Giang Cảnh để đưa vào Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cho mọi người tham quan.
|
Bài, ảnh: GIA KHÁNH