Những bữa ăn nghĩa tình

11/08/2021 - 06:59

 - “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Ngay trong những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng san sẻ với người nghèo bằng khả năng của mình. Đó là những bữa ăn thơm thảo nghĩa tình, để dù giản đơn, đạm bạc, người nhận vẫn được ấm lòng.

Từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gia đình chị Trần Thị Hảo (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã tổ chức nấu bữa ăn sáng và bữa trưa phát cho người nghèo trên địa bàn. Chị Hảo cho biết, trước đây chị tham gia đóng góp các hoạt động từ thiện theo hội, nhóm. Ngay đợt kêu gọi hỗ trợ nông dân tiêu thụ bắp, chị mua số lượng nhiều tặng cho hộ nghèo xung quanh.

“Thấy người ta ăn ngon mà tôi hạnh phúc và cảm giác như chính mình được ăn vậy. Lúc đó, tôi càng muốn giúp đỡ họ nhiều hơn. Tôi bàn với gia đình nấu thức ăn sáng và cơm trưa cấp phát. Thời gian đầu tặng khoảng 1.000 suất ăn/ngày, do khả năng có hạn nên bây giờ giảm số lượng. Một số bạn bè của tôi đã ủng hộ tiếp sức, nhưng dịch bệnh kéo dài, nguồn trợ giúp cũng vơi dần. Dù vậy, gia đình tôi cố gắng nấu được bao nhiêu hay bấy nhiêu, bình quân hiện nay khoảng 200-250 suất/ngày và tặng thêm rau, củ để san sẻ cho các hộ khó khăn” - chị Hảo chia sẻ.

Trước đây, người dân đến nhà chị Hảo để nhận cơm. Nhằm đảm bảo việc phòng, chống dịch, hiện nay mỗi ngày nấu xong phần ăn, gia đình chở luân phiên đến các con hẻm, nhà trọ trên địa bàn để trao tận tay từng hộ, bất kể mưa hay nắng đều không gián đoạn.

Cùng tâm nguyện trên, hơn nửa tháng nay, gia đình ông Đỗ Văn Nư (ngụ ấp Phú Trung, xã Phú Thành, huyện Phú Tân) nấu hàng trăm suất ăn sáng hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch và người nghèo trên địa bàn xã. Một ngày của đội nấu cơm với 5 người bắt đầu từ 3 giờ sáng, chia nhau làm các công đoạn: chế biến nguyên liệu, nấu cơm, đóng hộp.

Đến 6 giờ sáng, khoảng 300-400 suất ăn hoàn thành được ông Nư chạy xe vòng khắp các ấp, tuyến dân cư trong xã để trao tận tay những hộ nghèo, người già neo đơn. Hoàn thành xong “nhiệm vụ” thì 13 giờ chiều, mọi người tiếp tục sơ chế nguyên liệu để lo phần ăn cho ngày kế tiếp. Các bữa ăn sáng được thay đổi liên tục và phong phú, như: bánh tằm, cháo, cơm, bánh mì, bún… có ngày lên đến 600 phần.

Những suất ăn sáng miễn phí mang theo sự đồng cảm, cùng mong ước được san sẻ bớt một phần khó khăn trong cuộc sống của người nghèo trong thời điểm này. Những ngày đầu, sau khi giao cơm trở về, ông Nư hồ hởi nói với người nhà: “Ghé nhà nào cho người ta cũng mừng lắm, nên mọi người ráng tiếp tục nghen!”. Chỉ vậy thôi, dù vất vả nhưng mọi người thấy hạnh phúc và động viên nhau tiếp tục làm.

Cùng trong xã Phú Thành, gia đình anh Đỗ Chí Nam (ấp Phú Trung) cũng hợp sức nấu 500 suất cơm chay miễn phí tặng người dân và 15 suất cơm cho tổ công tác phòng, chống dịch. Các phần cơm được chuẩn bị sẵn, đặt trước nhà, phát cho người qua lại vào mỗi buổi sáng. Thấy việc làm ý nghĩa của gia đình ông Nư và anh Nam, người dân trong xã ủng hộ kinh phí, thực phẩm để các suất ăn được duy trì đến ngày hết giãn cách xã hội, đảm bảo giúp đỡ hộ nghèo “Ai ở đâu ở đấy”.

Đón nhận phần cơm được trao tận nhà, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa nghẹn ngào: “Tôi rất xúc động, sống một mình, xa quê hương mà được địa phương, nhà hảo tâm giúp đỡ từ chén cơm, phần ăn hàng ngày. Các phần cơm được nhà hảo tâm trao tặng rất ngon, hợp khẩu vị. Tôi cũng như nhiều người nghèo được no lòng vượt qua giai đoạn dịch bệnh này”.

Một phần ăn tuy giá trị không lớn, nhưng hàng trăm phần ăn hàng ngày là sự cố gắng bằng cả tấm lòng và sức lực của những người làm việc thiện nguyện. Giữa đại dịch COVID-19 với biết bao khó khăn chồng chất, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn càng thêm nhiều nỗi lo... thì sự hỗ trợ ấy rất đáng trân quý. Ngoài “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, những tấm lòng thơm thảo của chị Hảo, ông Nư, anh Nam và rất nhiều người thiện nguyện khác đã tiếp thêm nguồn lực để chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

MỸ HẠNH