Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2024

31/12/2023 - 14:15

5 trường hợp bác sĩ có thể từ chối khám, chữa bệnh; người bị loạn thị vẫn đủ điều kiện nhập ngũ… là những quy định có hiệu lực từ đầu năm 2024.

5 trường hợp bác sĩ có thể từ chối khám, chữa bệnh

Theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024, có 5 trường hợp người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp 1, tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình. Tuy nhiên, nhân viên y tế phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: TTXVN)

Trường hợp 2, việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

Trường hợp 3, người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi.

Trường hợp 4, người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.

Trường hợp 5, người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Ngoại trừ 5 trường hợp trên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng cấm nhân viên y tế "từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh". Người bệnh cũng có quyền "được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh.

Nhiều thay đổi khi giải quyết các thủ tục cư trú

Thông tư 66/2023 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sửa đổi hồ sơ phải nộp khi giải quyết các thủ tục về cư trú, trong đó có đăng ký thường trú.

Với trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp, người dân có thể nộp bản sao giấy tờ được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp, bản quét kèm theo bản chính để đối chiếu.

Ngoài ra, người dân có thể khai báo thông tin theo biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn, đăng tải bản quét/bản chụp giấy tờ hợp lệ (không yêu cầu công chứng/chứng thực)/dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử) và nộp lệ phí.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khi đăng ký cư trú online, người dân khai báo thông tin, đính kèm bản quét/bản chụp giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, công dân phải xuất trình bản chính đã cung cấp khi người làm công tác đăng ký cư trú yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thông tư 66 cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với giấy tờ đính kèm khi đăng ký cư trú online, đó là bản quét/bản chụp giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng bằng điện thoại, máy ảnh… phải rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung. Nếu là giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định trừ trường hợp được miễn.

Thông tin giấy tờ chứng minh điều kiện đăng ký thường trú/tạm trú đã được chia sẻ và khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc chuyên ngành thì không được yêu cầu nộp, xuất trình giấy tờ đó để giải quyết đăng ký cư trú.

Về việc thông báo kết quả, Thông tư 66/2023 quy định, kết quả giải quyết thủ tục sẽ được thực hiện dưới dạng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, tin nhắn SMS.

Chỉ tuyển lao động nước ngoài khi không tuyển được lao động Việt Nam

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Chính phủ ban hành tại Nghị định 70/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020 về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2024, sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động chỉ tuyển người nước ngoài nếu không tuyển được người lao động Việt Nam.

Về thời hạn xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Nghị định 70/2023 cũng quy định việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. 

Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc.

Cũng theo Nghị định của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. 

Ngoài ra, Nghị định này bãi bỏ nội dung "cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế" tại Nghị định 35/2022.

Người bị loạn thị vẫn đủ điều kiện nhập ngũ

Thông tư số 105/2023 quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng cũng có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.

Một trong những quy định đáng chú ý của thông tư là tiêu chuẩn chung về sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, theo quy định là đạt sức khỏe loại 1, 2, 3.

Trong đó, loại 1 là tất cả các chỉ tiêu khám đều đạt điểm 1 - chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt; loại 2 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 2 - chỉ tình trạng sức khỏe tốt; loại 3 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 3 - chỉ tình trạng sức khỏe khá; loại 4 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 4 - chỉ tình trạng sức khỏe trung bình; loại 5 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 5 - chỉ tình trạng sức khỏe kém và loại 6 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 6 - chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

Thông tư 105/2023 cũng có điểm mới về quy định việc chấm điểm các bệnh về mắt. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 16/2016 hiện hành, người bị loạn thị (bao gồm tất cả các loại) sẽ bị chấm điểm 6, tức được xếp vào nhóm sức khỏe loại 6 - không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, tại thông tư mới ban hành, người viễn thị do sinh lý hoặc dưới 1 đi-ốp sẽ được chấm 2 điểm; lớn hơn hoặc bằng 1 đi-ốp sẽ được chấm 3 điểm. Trường hợp loạn thị đã phẫu thuật, hết loạn thị sẽ được chấm 3 hoặc 4 điểm tùy trường hợp. Như vậy, với người đang loạn thị bị chấm điểm 2 mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không có tiêu chuẩn nào bị chấm điểm 3, 4, 5, 6 thì sẽ đạt sức khỏe loại 2, khi đó sẽ đủ điều kiện nhập ngũ bình thường.

Hay với người loạn thị bị chấm điểm 3, mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không có tiêu chuẩn nào bị chấm điểm 4, 5, 6 thì sẽ đạt sức khỏe loại 3, khi đó sẽ đủ điều kiện nhập ngũ bình thường.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định danh mục các bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự như: tâm thần, động kinh, Parkinson, mù một mắt, điếc, di chứng do lao xương khớp, di chứng do phong, các bệnh lý ác tính (u ác, bệnh máu ác tính), người nhiễm HIV, người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng.

Theo ANH VĂN (VTC News)