Ca dao Nam Bộ có câu: “Dù ai xuôi ngược bốn bề/Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang”, cho thấy cù lao Ông Hổ rất có ý nghĩa đối với vùng đất An Giang, bởi đây chính là nơi “chôn nhau cắt rốn” của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Về Mỹ Hòa Hưng, Khu lưu niệm (KLN) Chủ tịch Tôn Đức Thắng là nơi du khách có thể dừng chân đầu tiên. KLN được xây dựng, hoàn thành vào tháng 8-1998 nhân ngày sinh thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nơi đây lưu giữ những hiện vật gắn với thời niên thiếu và những chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Tôn.
Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Khu lưu niệm
Đến đây, du khách còn được tham quan ngôi nhà do thân sinh của Bác là cụ ông Tôn Văn Đề xây dựng vào năm 1887 theo kiểu nhà sàn cột chân tán, cột gỗ tràm, nền sàn lót ván, mái lợp ngói ống, mang đậm nét văn hóa của người dân miền Tây Nam Bộ.
Ngôi nhà sàn Bác Tôn sống thời niên thiếu
Rời KLN Chủ tịch Tôn Đức Thắng, men theo con rạch nhỏ, hướng về đầu cù lao, đi khoảng 7km sẽ đến Bửu Long Cổ tự (còn gọi là chùa Ông Hổ, ấp Mỹ Khánh 1), nơi gắn liền với truyền thuyết dân gian giải thích nguồn gốc tên gọi cù lao.
Đối với người muốn tìm hiểu tích xưa của Mỹ Hòa Hưng thì chùa Ông Hổ sẽ là điểm dừng chân thú vị. Tương truyền, khoảng 300 năm trước, có 2 vợ, chồng ông lão chèo xuồng đi lấy củi, thấy trên mảng lục bình trôi sông có 1 con hổ con vừa đói, vừa rét, bèn đem về nhà nuôi dưỡng, lớn lên.
Khi ông, bà lão qua đời, hổ bỏ vào rừng, hàng năm, đến ngày giỗ của ân nhân, hổ đều mang về 1 con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng thấy con vật sống có nghĩa nên đặt tên nơi đây là cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ.
Mộ ông Hổ tại Bửu Long Cổ tự
Cách Bửu Long Cổ tự không xa là đình thần Mỹ Hòa Hưng, ngôi đình có mặt trên vùng đất này từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Trong những năm 1925-1926, ngôi đình là trụ sở hoạt động bí mật của nhiều nhân sĩ, trí thức và hương chủ yêu nước ở địa phương.
Năm 1943, Chi bộ xã Mỹ Hòa Hưng thành lập, lấy đình làm điểm hội họp. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Ủy ban Hành chính xã được thành lập cũng đặt trụ sở làm việc tại đình.
Đình thần Mỹ Hòa Hưng
Đến ngày 6-1-1946, ngôi đình là 1 trong 3 điểm của xã Mỹ Hòa Hưng đặt thùng phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước ta. Ngoài giá trị lịch sử lâu đời, đình thần Mỹ Hòa Hưng còn là công trình kiến trúc đẹp mang phong cách nghệ thuật của triều Nguyễn, ngôi đình được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử năm 2003.
MỸ LINH