Không còn là khẩu hiệu
Ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XV) thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 6 chương, 91 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Luật thể chế hóa đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, khẳng định quyền con người, chủ quyền công dân trên thực tế theo hiến định “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Luật cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Đó là những nội dung công khai để người dân (ở tổ dân phố, ấp, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động) được biết, bàn bạc và quyết định; tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát (đối với cán bộ, công chức, cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực) và thụ hưởng.
Cụ thể, được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, chủ quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; được thông tin đầy đủ về các quyền và lợi ích hợp pháp; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội; chế độ an sinh xã hội, thành quả phát triển của đất nước, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; được tạo điều kiện học tập, công tác, lao động, sản xuất - kinh doanh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không còn là khẩu hiệu chung chung, mà trở thành một quy phạm pháp luật.
Sáu nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở
Đó là bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; tôn trọng ý kiến đóng góp của người dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
Luật quy định 2 địa điểm để thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi cư trú và nơi làm việc. Theo đó, mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi cư trú. Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị công tác. Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động.
Những nội dung người dân bàn bạc và quyết định
Không còn là khẩu hiệu chung chung, thực hiện dân chủ ở cơ sở là hành động cụ thể. Đó là chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng ở thôn, tổ dân phố địa bàn cấp xã do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức. Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của người dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác. Thông qua bầu cử, cộng đồng dân cư được quyết định đồng ý hay cho thôi làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. Ngoài thực hiện các nội dung người dân bàn bạc và quyết định, luật còn bổ sung quy định việc đề xuất nội dung Nhân dân bàn và quyết định; chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, sau khi thống nhất với Chủ tịch UBMTTQVN cùng cấp quyết định nội dung, lựa chọn hình thức và chỉ đạo, hướng dẫn trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức để người dân bàn và quyết định.
Ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nơi thực hiện quyền làm chủ một cách trực tiếp, rộng rãi nhất, thể chế hóa quan điểm của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, dân chủ XHCN, thực hiện dân chủ ở cơ sở…
N.R