Ngày 5-11, bà Pelosi viết thư gửi cho mỗi thành viên đảng Dân chủ nhấn mạnh chương trình nghị sĩ cho 2 năm tới và đề nghị họ ủng hộ tái bầu cử bà giữ chức Chủ tịch Hạ viện. Thời điểm đó, trong thư, bà Pelosi tự tin nhận định ông Joe Biden sẽ giành chiến thắng cuộc tổng tuyển cử và trở thành tổng thống mới của Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng nước Mỹ sẽ có nữ tổng thống. Ảnh: Reuters
Phóng viên Lauren Gambino của báo The Guardian đã vẽ ra viễn cảnh nước Mỹ có vị trí thứ nhất và thứ hai trong danh sách kế nhiệm ông Biden là nữ giới, nếu bà Pelosi tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hạ viện. Điều này hoàn toàn vô căn cứ khi hồi tháng 5, bà Pelosi từng lạc quan tin tưởng Mỹ sẽ có nữ tổng thống Mỹ đầu tiên.
Mặc dù cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay vẫn là cuộc chiến giữa các nam nhân nhưng bà Pelosi khẳng định phụ nữ đang dần được coi trọng và có tiếng nói nhất định, nhất là sau khi ứng cử viên nữ chạy đua vào Hạ viện Mỹ tăng bất ngờ vào năm 2018 và bà Hillary Clinton trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ cách đây 4 năm.
Bà Kamala Harris (phải), Thượng nghị sĩ California là người đồng hành tranh cử của ông Joe Biden trong chiến dịch có khẩu hiệu "chiến đấu để tìm lại linh hồn đất nước", đi cùng Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein. Ảnh: LA Times
Tính riêng năm 2020, Mỹ đang chứng kiến số lượng ứng cử viên nữ chạy đua vào Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội ở mức cao kỷ lục. Số liệu của Trung tâm vì Phụ nữ và Chính trị Mỹ (CAWP) công bố hồi tháng 8 cho thấy có 243 phụ nữ được các đảng đề cử chạy đua giành ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11.
Kỷ lục ứng cử viên nữ được đề cử tranh cử tại Hạ viện trước đó ghi nhận tại cuộc bầu cử năm 2018 là 234 người.
Bà Pelosi - một trong những nhân vật bám trụ lâu nhất trên chính trường Mỹ - từng phát biểu tại sự kiện ở Trường Đại học Georgetown (Mỹ) hồi tháng 5: "Chúng tôi sẽ có một nữ tổng thống. Tôi biết chúng tôi sẽ có dù chưa biết đó là ai".
Trước khi viễn cảnh đó đến với nước Mỹ, bà Kamala Harris đã làm nên lịch sử khi sắp trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên, là người Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là người gốc Á đầu tiên nắm giữ chức vụ này.
Không chỉ những điều trên, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có rất nhiều điều "đầu tiên", "đặc biệt" và mang ý nghĩa "lịch sử". Trước tiên, ít nhất 23 bang ở Mỹ năm nay có số phiếu bầu cử sớm cao hơn so với năm 2016, trong bối cảnh nhiều người đề phòng dịch Covid-19 cũng như muốn sớm đưa ra lựa chọn của mình.
Hơn 101 triệu người bỏ phiếu sớm theo phương thức trực tiếp và qua đường bưu điện ngay cả trước khi và điểm bỏ phiếu được mở cửa vào Ngày Bầu cử (3-11).
Giáo sư Michael P. McDonald của Trường Đại học Florida nhận định nước Mỹ với khoảng 160 triệu cử tri đi bỏ phiếu, điều đó có nghĩa là tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu vào khoảng 67% số cử tri đủ tư cách bỏ phiếu, cao hơn mọi thời điểm bầu cử tại nước Mỹ trong hơn 100 năm.
Theo một nghiên cứu về bầu cử Mỹ do ông Dr. McDonald thực hiện, lần gần đây nhất, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt hơn 65% là vào năm 1908.
Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu qua đường bưu điện. Ảnh: AP
Cuộc bầu cử năm 2020 cũng có những điểm khác biệt so với 4 năm trước. Đó là cử tri đi bỏ phiếu đặc biệt tăng cao ở một số bang vốn không được coi là "chiến trường" như bang Montana hay Tennessee.
Ngoài ra, các cử tri da màu xuất hiện với số lượng lớn hơn ở những bang quan trọng như Georgia và Bắc Carolina, cùng với sự gia tăng đáng kể các cử tri trẻ, cử tri mới cũng như các cử tri không theo đảng phái nào.
Theo H.BÌNH (Người Lao Động)