Lá cờ Olympic được trao cho đại diện của Paris trong lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: Reuters)
Một kỳ Olympic mở
Paris sẽ trở thành thành phố thứ 2 sau London từng đăng cai Thế vận hội ba lần. Năm 2024 sẽ đánh dấu kỷ niệm tròn 100 năm kể từ khi Thế vận hội gần nhất được tổ chức tại thủ đô nước Pháp vào năm 1924.
Sau khi Olympic Tokyo 2020 phải diễn ra mà không có khán giả vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ban tổ chức Olympic Paris 2024 hứa hẹn sẽ “bù đắp” bằng một kỳ Thế vận hội mở nhất trong lịch sử.
Theo đó, dự kiến lễ khai mạc sẽ được tổ chức dọc theo bờ sông Seine để đem Olympic đến gần với công chúng nhất có thể. Đây sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, lễ khai mạc Thế vận hội sẽ được tổ chức bên ngoài sân vận động Olympic của nước chủ nhà.
Bên cạnh đó, Paris cũng muốn đưa thể thao ra khỏi không gian truyền thống ở Olympic để đến gần người hâm mộ, thông qua việc tổ chức các nội dung thi đấu ngay tại các địa danh mang tính biểu tượng của Thủ đô Paris.
Trong đó, bóng chuyền bãi biển sẽ được tổ chức ngay dưới chân tháp Eiffel, trượt ván thi đấu tại quảng trường Concorde nổi tiếng, đấu kiếm diễn ra tại bảo tàng Grand Palais, và cưỡi ngựa trong khuôn viên của cung điện Versailles.
Paris chào đón Thế vận hội trở lại với thủ đô nước Pháp sau tròn 100 năm. (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, các chân chạy nghiệp dư sẽ được tranh tài cùng các vận động viên chuyên nghiệp ở môn marathon, một trong những môn thể thao lâu đời của Olympic và thu hút rất nhiều tầng lớp quần chúng tham gia luyện tập.
Tương tự, người hâm mộ đam mê môn xe đạp đường trường cũng sẽ được thi đấu trên cùng cung đường với các vận động viên tại Olympic. Trong khi ở môn đua thuyền buồm, nếu được Ủy ban Olympic quốc tế chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên các tay đua nghiệp dư có thể thi đấu với các vận động viên Olympic cả trong thời gian thực lẫn trên nền tảng trực tuyến và cùng trên chặng đua theo lịch trình của ban tổ chức.
Kỷ lục sớm nhất cho Olympic Paris 2024
Nỗ lực lập kỷ lục thế giới đầu tiên cho Thế vận hội mùa hè 2024 đã không thành, khi trời gió mạnh đã không cho phép ban tổ chức treo lá cờ khổng lồ trên tháp Eiffel trong buổi lễ nhận cờ đăng cai Olympic từ Tokyo.
Tuy vậy, ngay cả khi Olympic Paris 2024 còn chưa khởi tranh, một kỷ lục khá thú vị cũng đã được thiết lập. Bờ biển Tahiti thuộc quần đảo Polynesia thuộc Pháp, nơi cách Paris hơn 15 nghìn km sẽ là địa điểm đăng cai thi đấu các nội dung của môn lướt sóng. Đây sẽ là kỷ lục mới về môn thi đấu Olympic được tổ chức ở địa điểm xa nhất tính từ thành phố đăng cai chính của nước chủ nhà.
Olympic bền vững
Cũng như Tokyo, Paris sẽ chú trọng tính bền vững và các yếu tố thân thiện với môi trường ở kỳ Thế vận hội tới đây. (Ảnh: USA Today Sports)
Từ kinh nghiệm của Tokyo trong việc tổ chức một kỳ Olympic mang tính bền vững, thân thiện với môi trường, Paris cũng đặt mục tiêu tổ chức kỳ Thế vận hội “trung hòa khí thải carbon” bền vững nhất trong lịch sử.
Theo đó, ban tổ chức đã lên kế hoạch giảm một nửa lượng phát thải liên quan đến Thế vận hội và cũng đưa vào nhiều chương trình bù đắp carbon hơn, với mục tiêu bù đắp tín chỉ carbon nhiều hơn so với lượng khí thải ra trong suốt quá trình tổ chức Olympic.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng tận dụng các địa điểm thi đấu có sẵn, với chỉ trung tâm thể thao dưới nước là địa điểm thi đấu cố định duy nhất sẽ được xây dựng mới phục vụ Thế vận hội. Trung tâm này sẽ được kết nối với sân vận động Stade de France lân cận, địa điểm tổ chức môn điền kinh, thông qua một cây cầu đi bộ bắc qua đường cao tốc ngăn cách hai địa điểm.
Ước tính, chi phí đăng cai Olympic Paris 2024 sẽ vào khoảng 3,9 tỷ euro, theo thông tin từ trang web chính thức của đại hội.
Theo TRUNG HƯNG (Nhân Dân)