Những gì bạn nói trên thiết bị Apple đều có thể bị Siri nghe và ghi âm lại

28/07/2019 - 20:17

Mặc dù đề cao quyền riêng tư, trợ lý ảo của Apple – Siri vẫn liên tục nghe và ghi âm lại lời nói của bạn khi được kích hoạt.

Một đối tác của Apple đã tiết lộ rằng công ty hợp tác với họ nhằm mục đích kiểm soát chất lượng của Siri, tương tự như cách mà Amazon làm với Alexa hoặc Google với Assistant. Mặc dù những đối tác chỉ nghe ít hơn 1% từ Siri hàng ngày và thường chỉ trong vài giây một lần, nhưng họ đã nghe được rất nhiều thông tin nhạy cảm.

Họ nghe được những thông tin y tế, hoạt động tội phạm hay thậm chí là các cuộc gặp gỡ tình dục. Tuy nhiên, Apple thuê các đối tác chỉ để kiểm tra và đánh giá chất lượng của trợ lí ảo xem có đáp ứng được các nhu cầu của người dùng hay không.

Apple còn cho biết công ty có nhiều biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Ví dụ như các bản ghi âm sẽ không đính kèm với ID Apple. Các bản ghi âm được nghiên cứu tại các cơ sở bảo mật và những đối tác làm công việc này đều có nghĩa vụ phải tuân theo các yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt của Apple. Ngoài ra, công ty sẽ không thể biết thiết bị nào đã đưa ra câu lệnh cho Siri.

Tuy nhiên theo một số nguồn tin cho biết, các bản ghi âm đi kèm với dữ liệu người dùng như vị trí, chi tiết nội dung liên lạc và dữ liệu ứng dụng. Các thông tin này giúp xác minh xem câu lệnh của người dùng có được Siri thực hiện thành công hay không.

Những lần kích hoạt Siri ngẫu nhiên là nguyên nhân khiến rất nhiều dữ liệu nhạy cảm được gửi về Apple. Apple Watch và HomePod là 2 thiết bị thường bị kích hoạt nhầm nhiều nhất. Người dùng có thể nâng smartwatch lên và bắt đầu nói để kích hoạt Siri. Tương tự, Siri cũng sẽ được bật trên HomePod nếu ai đó nói điều gì tương tự như cụm từ Hey Siri.

Đối tác này cũng tiết lộ rằng, bạn có thể nghe cuộc nói chuyện giữa bác sĩ với bệnh nhân về bệnh tình của họ hay một cuộc giao dịch ma túy đang diễn ra. Và bạn có thể nghe các âm thanh giống như họ đang quan hệ tình dục được vô tình ghi lại trên HomePod hoặc Apple Watch.

Mối quan tâm khác về các đối tác của Apple là ai có quyền truy cập vào các dữ liệu bản ghi âm. Được biết, những đối tác có tỷ lệ doanh thu cao sẽ ít có sự kiểm soát với các nhân viên mới. Nếu như vậy thì dữ liệu sẽ rất dễ bị lạm dụng bởi kẻ xấu. Và Apple dường như không có chính sách xử lý đối với những đoạn ghi âm nhạy cảm. Thay vào đó, công ty khuyến khích nhân viên báo cáo các đoạn ghi âm tình cờ là sự cố kỹ thuật, không phải là nội dung của những bản ghi âm này.

Amazon và Google cũng thuê nhân viên nghe các bản ghi âm để cải thiện trợ lý ảo của họ. Nhưng 2 công ty này cho phép người dùng từ chối việc dùng đoạn ghi âm. Còn Apple ngoài tùy chọn vô hiệu hóa cụm từ “Hey Siri” để tránh kích hoạt nhầm, thì bạn chỉ còn cách tắt hoàn toàn Siri đi.
Tất cả những điều trên không hoàn toàn có nghĩa là sử dụng Siri làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của bạn. Thay vào đó điều này còn cho thấy nỗ lực cải thiện của Apple, đặc biệt là công ty vẫn bảo vệ tầm quan trọng của quyền riêng tư.

Theo TRẦN KIÊN (Nghe nhìn Việt Nam)