Năm 2003, lần đầu tiên tôi gom hết hành trang của người học trò từ quê sang Long Xuyên (tỉnh An Giang) để theo đuổi giấc mơ học tập và mong có cơ hội để học tập chuyên sâu, nâng cao tri thức. Vào những giờ ra chơi, đứng trên ban công Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, tôi hay thả hồn mình theo từng làn gió từ sông Hậu thổi vào, ngắm nhìn dòng nước êm đềm trôi từ cầu Duy Tân sang Hoàng Diệu và trôi đi mãi; thấp thoáng xa xa là hình ảnh của người chài lưới, với hy vọng bắt được ít cá tôm về đổi gạo lo bữa cơm gia đình.
Cảm tưởng của tôi lúc đấy như thể Long Xuyên đang sở hữu một dòng sông Seine đầy thơ mộng, như ở thủ đô Paris (Pháp) hoa lệ, thế nhưng dòng sông ấy mang đặc trưng của người miền Tây sông nước.
Năm tháng trôi qua, mãi đến khi chúng tôi hoàn thành các bậc học THPT, đại học, bắt đầu đi làm và chính thức trở thành công dân của thành phố, hình ảnh những mùa xuân vẫn được lưu giữ. Dù đã qua lứa tuổi thiếu niên, không còn mê bánh kẹo nhưng mỗi lần gần Tết có dịp đi qua các tuyến đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, tôi thích thú với những gian hàng bán bánh kẹo, trái cây, lồng đèn, đồ trang trí Tết rực rỡ sắc màu, thấp thoáng là những người bà, người chị ngồi bán từng bó hoa, nhành mai cho người người, nhà nhà mua về chưng Tết.
Những tuyến đường Long Xuyên ngày ấy tấp nập mãi đến khuya 30 Tết, sau đó trở nên bình yên, ít xe lưu thông, mãi đến mùng 4 Tết mới đông đúc trở lại. Bởi những ngày Tết, học sinh, sinh viên, người lao động trở về quê nhà đón Tết.
Chợ hoa xuân sôi động
Dù chưa một lần ăn Tết ở Long Xuyên một cách trọn vẹn, nhưng với tôi những ngày giáp Tết là những ngày vui tươi, hạnh phúc. Từ ngày 20 tháng Chạp, các trường học, trung tâm, trụ sở cơ quan, đơn vị đã rục rịch không khí Tết. Mỗi năm khi đưa con đi dự ngày hội xuân tại trường mầm non, tiểu học, tôi có dịp sống lại những ký ức ngày xuân, với các gian hàng Tết, các trò chơi dân gian, với gian hàng “xin chữ” thư pháp của ông đồ để mong có được một năm may mắn.
Đã trải qua những cái Tết dung dị ở quê nhà, với những con đường quê ngập tràn mai vàng rực rỡ, đã trải qua không gian Tết của Long Xuyên những năm 2000 và giờ là không gian Tết hiện đại của những năm 2020, tôi càng yêu quý mùa xuân, thấy ngập tràn hạnh phúc vì đã chọn Long Xuyên là quê hương thứ 2 của mình và không quên tìm chút bình yên, góc xuân cho tâm hồn được nhẹ nhàng, thư thái.
Những ngày giáp Tết chào đón năm 2023, khi dạo qua những tuyến phố của Long Xuyên, bao cảnh vật đang dần đổi thay, những con đường xôm tụ hơn với nhiều hàng quán, cửa hàng ăn uống, mua sắm, những con đường mới được mở ra, cảnh vật bên hồ Nguyễn Du ngày càng đẹp hơn, chiếc cầu Nguyễn Thái Học mới xây có thêm nơi để người đi bộ được thưởng ngoạn phong cảnh, để những cô cậu học trò rời quê từ Long Xuyên lên TP. Hồ Chí Minh có dịp trở về “check-in” cảnh vật quê nhà, lòng tôi dạt dào cảm xúc...
Nhìn thành phố trẻ vươn lên đầy sức sống, tôi thật sự tự hào vì đây là quê hương, một thành phố không quá ồn ào mà năng động, phố xá, nhà cửa muôn màu nhưng cũng có nhiều những góc xuân, góc trải lòng cho người yêu và gắn bó thành phố hiền hòa bên dòng sông Hậu.
NGỌC GIANG