Những hoàn cảnh gặp khó khăn vì biến cố

19/05/2020 - 06:49

 - Cả 2 gia đình trong bài viết này đều gặp khó khăn sau khi có người thân qua đời. Những người còn sống nương níu lấy nhau, nhận sự hỗ trợ của họ hàng, xóm giềng. Nhưng mọi sự giúp đỡ cũng chỉ phần nào giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt, còn tương lai rất bấp bênh.

Ước mơ của gia đình chị Ngần

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1991) và Nguyễn Thị Kim Ngần (sinh năm 1993, ngụ khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, An Giang) là 2 chị em bị khiếm thị bẩm sinh. Thời gian học ở Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh, Ngần gặp anh Huỳnh Công Tạo (sinh năm 1986, khiếm thị sau cơn bệnh). Họ trở thành vợ chồng, nâng tổng số người khiếm thị của gia đình lên 3 người. Tất cả đều đang làm thuê cho cơ sở massage của Hội Người mù tỉnh An Giang.

Hai chị em Ngân và Ngần

Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, một biến cố lớn xảy ra: bà Nguyễn Thị Lợi (sinh năm 1966, mẹ Ngân, Ngần) mất sau thời gian chống chọi với bệnh hiểm nghèo. Khi còn sống, bà ở nhà vun vén mọi sinh hoạt trong gia đình, bao gồm chăm sóc bà Nguyễn Thị Tám (hơn 90 tuổi, bà nội của Ngần), bé Huỳnh Thiên Phú (sinh năm 2013, con của Ngần và Tạo), và đỡ đần công việc cho 3 đứa con khiếm thị. Nhờ vậy, anh Tạo, chị Ngân và Ngần yên tâm đi làm, cuộc sống tương đối ổn định.

Nay, họ phải thay nhau chia sẻ việc nhà: người này đi làm thì người kia ở nhà. Khổ nỗi, bản thân họ cũng cần sự hỗ trợ trong sinh hoạt, Ngần bước vào những tháng cuối của thai kỳ, cha ruột Ngần hơn 60 tuổi thì bệnh tật quấn thân. Chưa kể, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ sở massage đóng cửa, thu nhập của cả gia đình vốn không ổn định, lại càng giảm sút hơn trước. Căn nhà của họ tuy còn vững chãi, nhưng không có cửa nẻo chắc chắn. Có hôm, trộm leo vào, rồi lại leo ra, vì... nhà không có gì để lấy.

“Anh Tạo đi bán vé số để kiếm thêm tiền lo cho gia đình, lại thường bị khách gạt lấy mất vé số. Cha tôi sợ trở thành gánh nặng cho con cháu, ráng lướt bệnh, chạy "xe ôm", bữa có khách bữa không. Tôi lo nhất là khi mình sinh nở, nhà neo người càng thêm khó khăn. Chúng tôi rất mong có số vốn đủ mở cơ sở massage nhỏ, để có nguồn thu nhập ổn định, cả gia đình cùng trông coi, quán xuyến cơ sở và chăm sóc lẫn nhau” - chị Ngần chia sẻ.

Những đứa trẻ mồ côi

Chị Phan Thị Thùy Trang (ngụ khóm Thới Hòa, phường Mỹ Thạnh) nuôi 4 đứa con bằng thu nhập của một công nhân. Thời gian làm việc nhiều, ít chú trọng sức khỏe, lại lo toan gánh nặng con cái, chị đột ngột qua đời sau căn bệnh ung thư dạ dày, khi mới 39 tuổi.

Bà Lê Thị Châu (62 tuổi, mẹ chị Trang) rơi nước mắt: “Chồng nó bỏ đi lâu lắm rồi, một tay nó nuôi con, cực khổ trăm bề. Lúc phát bệnh, Trang chỉ suy nghĩ về các con, dành dụm tiền mua bảo hiểm cho từng đứa. Trước khi mất, Trang khóc: “Con không ổn rồi mẹ ơi! Con chết, bỏ mấy đứa nhỏ lại thành gánh nặng cho mẹ...”. Khi Trang mất, tiền bạc trong nhà không còn gì, lại mắc nợ. Thương cháu, tôi đi bán vé số hàng ngày, kiếm ít tiền cho nhà bớt túng quẫn. Nhưng tôi bệnh tiểu đường, chân bị lở loét nhiều, không thể đi đâu được. Cảnh nhà càng thêm khổ”.

Bà Châu chăm sóc Trần Hạo Thiên, con út chị Trang

Phan Thị Tâm Như là con lớn nhất (16 tuổi), sau khi học đến lớp 8 thì nghỉ học, phụ giúp mẹ chăm sóc các em, rồi bán vé số, đi làm thuê... 3 đứa em trai đang học Trường Tiểu học Trần Phú, tự dắt díu nhau đến trường, trông nom lẫn nhau. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong căn nhà bé xíu, thậm chí không có nhà vệ sinh. “Mấy đứa nhỏ rất ham học. Bản thân tôi cũng tự nhủ, tôi còn sống ngày nào sẽ cố gắng cho tụi nhỏ ăn học đàng hoàng, để sau này bớt khổ. Chỉ sợ nhà khó khăn quá, không đủ điều kiện lo cho chúng đến trường” - bà Châu bày tỏ.

Theo chính quyền địa phương, hoàn cảnh khó khăn của các hộ gia đình trên đều được quan tâm tìm hiểu, nắm rõ, hỗ trợ an sinh xã hội theo quy định. Ngoài ra, đã có nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, chia sẻ vật chất lẫn tinh thần để họ vượt qua. Tuy nhiên, các hỗ trợ đó chỉ phần nào gỡ khó trước mắt. Về lâu dài, rất mong sẽ có thêm những tấm lòng nhân ái, chung tay giúp đỡ cho cả 2 gia đình, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống một cách bền vững.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội- Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn- Chi nhánh An Giang.

 

Bài, ảnh: GIA KHÁNH